Chuyện của dòng Tô Lịch
Kinhtedothi - “Lâu nay người ta cứ gọi sông Tô Lịch là dòng sông chết, vì ô nhiễm, vì tù đọng nước thải. Nhưng tôi tin, con sông gắn liền với lịch sử Thăng Long - Hà Nội ấy sẽ hồi sinh, trong trẻo vì người Hà Nội hôm nay vẫn thiết tha với nó!” - có lẽ những ai sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghìn năm này, những người yêu Hà thành từ sâu thẳm trái tim đều cất trong suy nghĩ niềm tin dành cho dòng Tô như thế!
Lênh đênh ý tưởng
Chẳng ai biết dòng Tô khởi thủy từ bao giờ, nhưng theo những tài liệu để lại đến nay thì bên cạnh sông Hồng, sông Tô Lịch cũng là một con đường giao thông vận tải quan trọng đối với thành Thăng Long. Thời cửa sông thông với sông Hồng còn chưa bị lấp, sông Tô vẫn nước đầy ắp, trên bến dưới thuyền tấp nập, nên mới có câu: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”...
Các nhà nghiên cứu lịch sử nói rằng, nhờ được nước sông Hồng nuôi dưỡng nên sông Tô thuở xưa rất sống động, thuận tiện. Cửa sông là thương cảng, từ đó thành lập phường Giang Khẩu với chợ Đông Bạch Mã và các vạn làng lần lượt mọc dựng.
Dấu tích của con sông cũ vẫn còn lưu, như phố Hàng Lược có tên cũ là phố sông Tô Lịch vì gần như trọn cả con phố nằm trên dòng sông. Phố Nguyễn Siêu và Ngõ Gạch vẽ thành một đường cong mềm mại cũng nằm trên chính dòng sông cổ ấy. Ở cửa sông Tô, phố Chợ Gạo chính là dấu tích của bến tập kết gạo, chợ bán gạo nổi tiếng một thời… Giờ thì sông Tô chỉ còn lại đoạn từ điểm nối đường Bưởi với đường Hoàng Quốc Việt, xuôi theo đường Bưởi, đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam, Tây Nam rồi ngoặt sang phía Đông Nam và đổ ra sông Nhuệ ở đối diện làng Hữu Từ (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì). Với chiều dài khoảng 14 cây số, ngày nay Tô Lịch đang như là hệ thống thoát nước thải của TP, mỗi ngày hứng khoảng 150.000m3 nước thải từ các khu dân cư.
Sông Tô Lịch nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Cuối thập kỷ trước, dòng Tô từng chịu cảnh ô nhiễm nặng, nước đen kịt, bốc mùi khó chịu suốt đêm ngày. Hà Nội đã nhiều lần lên ý tưởng, rồi bắt tay cải tạo môi trường sông Tô, tình trạng ô nhiễm có giảm bớt nhưng dòng trong thì chưa thể. Còn nhớ cách đây 5 năm, Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE đề xuất với TP cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Dự án này “hứa” sẽ cải tạo toàn bộ 14,6km sông với những
“bảo đảm”: không tác động đến khu dân cư dọc hai bên sông; cải tạo theo kích thước thực tế; xử lý tận gốc mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm; xây dựng hệ thống giếng thu và đường hầm ngầm chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông; bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch...
Cùng với đó, sông Tô cũng nhiều lần được lên kế hoạch “giải cứu”: năm 2000, TP thực hiện dự án nạo vét, kè hai bờ sông; năm 2008, TP từng có đề án bơm nước sông Hồng vào hồ Tây, rồi đổ sang sông Tô Lịch để lưu thông dòng chảy; năm 2019, TP thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C. Cũng trong năm 2019, Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) thí điểm làm sạch sông Tô Lịch (đoạn gần đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) bằng công nghệ Nano-Bioreactor…
Ý tưởng lênh đênh trên nước dòng Tô nhuốm màu thời gian, dù còn những lao xao, song lại đong đầy cái thiết tha của người Hà Nội với dòng sông. Người Hà Nội đã không ngừng nghĩ suy để hồi sinh con sông lịch sử ấy.
Đợi chờ ngày... “xanh”
Nhìn lại những di sản của sông Tô Lịch trong quá khứ, người yêu Hà Nội đều chung mơ ước sông Tô Lịch trở lại trong mát như xưa, để đi dọc bờ sông, ngắm nhìn những tòa cao ốc hiện đại đan xen các di tích, thắng cảnh trải dài suốt hai ven bờ, từ các làng Láng, Mọc, Thượng Đình, Hạ Đình, Kim Giang, Thanh Liệt… soi bóng xuống dòng sông. Người Hà thành là vậy, luôn bền bỉ và giàu niềm tin ở tương lai, nên không thôi đợi chờ ngày dòng Tô “xanh” trở lại.
Phương án bổ sung nước cho sông Tô Lịch để giảm ô nhiễm đang được cho là khả thi sau nhiều lần thử nghiệm các phương án khác. Ý tưởng lấy nước từ sông Hồng qua hồ Tây để làm sạch dòng sông Tô đang nhận được nhiều kỳ vọng từ người đô thị. Đó sẽ là điểm bắt đầu của hành trình biến sông Tô Lịch thành không gian xanh, điểm nhấn cảnh quan và sinh thái phục vụ cộng đồng.
Mỗi người một tay, chung sức để hiện thực hóa mong ước hồi sinh dòng Tô. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP cùng Sở Xây dựng rà soát toàn bộ các cửa xả nước thải dọc sông để bổ sung hệ thống cống thu gom triệt để nước thải 2 bên sông về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và nghiên cứu xây dựng các đập dâng trên sông, bổ sung vào Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đang triển khai. Riêng Sở Xây dựng còn cùng Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội nạo vét tổng thể sông Tô Lịch. Quận Tây Hồ lại cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu phương án sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nguồn nước sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây để bổ cập nước cho hồ Tây (qua hồ trung gian là hồ Sen) bảo đảm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ Tây. Riêng Sở Xây dựng nghiên cứu phương án lấy nước từ hồ Tây để bổ cập cho sông Tô Lịch trong trường hợp cần thiết để giữ mực nước sông qua cửa điều tiết hồ Tây A - Cống Đõ - Mương Thụy Khuê...
Được biết, việc cải tạo cảnh quan và chỉnh trang đô thị liên quan đến sông Tô Lịch, cũng như 3 dòng sông còn lại trong nội đô là Kim Ngưu, Lừ, Sét, đang được nghiên cứu cải tạo thống nhất không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ gắn với lòng sông nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, tạo dựng các trục cảnh quan của TP. Bờ kè dọc sông được phủ xanh và tạo dựng không gian nhiều tầng, bậc; kết hợp chỉnh trang và chiếu sáng các không gian trọng điểm nhằm tăng giá trị thẩm mỹ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa.
Người Hà Nội đã từng bức xúc vì ô nhiễm của dòng Tô, vì những ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật một phần, còn phần nhiều vì yêu và tiếc con sông gắn liền với đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm ấy. Người Hà Nội cũng đã và đang không ngừng xoay vần nghĩ suy, kiếm tìm giải pháp để khắc phục ô nhiễm, hồi sinh dòng sông lịch sử; thậm chí còn khát khao biến nó thành không gian xanh để phục vụ cộng đồng. Tất cả đều vì tình yêu Hà Nội cháy bỏng và niềm tự hào không phai phôi dành cho mảnh đất “trái tim của cả nước” này.
Đúng như ông bạn tôi nói trên kia, những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, những người yêu Hà thành từ sâu thẳm trái tìm đều cất giữ trong suy nghĩ một niềm yêu và niềm tin hướng về phía dòng Tô. Dù ở phía trước còn rất nhiều việc phải làm để hồi sinh thực sự dòng sông, nhưng người Hà Nội hôm nay vẫn đang bền bỉ đợi chờ và không thôi hy vọng ngày dòng chảy thuở xưa trong trẻo lại cùng màu xanh tươi mát trải dài theo dòng chảy đó.

Đội mưa duy trì trật tự đô thị dọc bờ sông Tô Lịch
Kinhtedothi – Ngày 5/4, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy đã tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, trật tự đô thị tại các tuyến đường dọc bờ sông Tô Lịch, đoạn qua địa bàn phường.

Hà Nội: tập trung đẩy nhanh tiến độ cải tạo hồi sinh sông Tô Lịch
Kinhtedothi - Hành trình trả lại dòng sông trong sạch cho Hà Nội đang bước vào giai đoạn quyết liệt với hàng loạt dự án trọng điểm. Từ nạo vét bùn đất, bổ cập nước sạch đến xây dựng hệ thống thu gom nước thải, những nỗ lực không ngừng nghỉ đang thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng cho sông Tô Lịch.

Hồi sinh sông Tô Lịch: Từ dòng sông chết đến mạch sống mới của Thủ đô
Kinhtedothi- Giữa lòng Thủ đô rực rỡ cờ hoa, sông Tô Lịch lặng lẽ ‘chờ đợi’ một cuộc hồi sinh. Không chỉ là làm sạch dòng nước ô nhiễm, Hà Nội đang ấp ủ khát vọng khôi phục "phần hồn" của đô thị, nơi quá khứ, hiện tại và tương lai giao thoa bên dòng chảy lịch sử.