Đại dịch đến cùng... điện thoại thông minh
Jakarta là một đô thị thịnh vượng "không bao giờ ngủ", nơi có những tòa nhà chọc trời và trung tâm mua sắm cao cấp, là minh chứng cho sự tiến bộ và tham vọng đổi mới của con người.
Trong khi đó, Kanekes từng là nơi hiếm hoi không bị ảnh hưởng bởi dòng chảy của thời gian, khi cộng đồng bộ lạc Bady ở đây đã chủ động "nói không" với những tiện nghi hiện đại như điện, ô tô và tivi.
Người Baduy tin rằng bất hạnh sẽ giáng xuống cả cộng đồng nếu họ sử dụng công nghệ và đi chệch khỏi lối sống truyền thống được duy trì trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Đó là lý do tại sao qua nhiều thế hệ, các thành viên của bộ lạc Baduy tiếp tục sống trong những ngôi nhà đơn sơ làm bằng gỗ và tre. Họ cũng tập duy trì lối sống tự cung tự cấp và mặc trang phục màu đen hoặc trắng do chính tay họ dệt.
Vì người Baduy cũng bài trừ sử dụng các phương tiện giao thông hiện đại nên họ hầu như chỉ đi bộ, kể cả khi phải gặp các quan chức Chính phủ ở Jakarta - một hành trình cả đi lẫn về dài 200km sẽ mất ít nhất 4 ngày nếu đi bộ.
Nhưng hiện đã có một thứ công nghệ mà nhiều người trong bộ lạc cảm thấy quá khó cưỡng lại: Điện thoại thông minh. Việc áp dụng công nghệ này đã trở nên phổ biến trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi ngành du lịch bị đình trệ.
Không thể tiếp cận hàng trăm khách du lịch thường ghé thăm ngôi làng hẻo lánh này mỗi ngày như trước, một số người đã chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để bán các mặt hàng thủ công như túi và vải dệt, cũng như các sản phẩm nông nghiệp như mật ong và sầu riêng.
Nhưng công nghệ này cũng có mặt trái của nó. Một số bậc cha mẹ ở làng Kanekes lo lắng rằng con cái của họ sẽ dành nhiều thời gian hơn để chơi điện tử và học theo các điệu nhảy thịnh hành, hơn là bảo tồn di sản văn hóa của bộ lạc Baduy.
"Khi còn nhỏ, chúng tôi đã biết giúp đỡ gia đình, hàng xóm. Vào ban đêm, chúng tôi sẽ đi thăm những người lớn tuổi và học cách cầu nguyện..." - Jamal, một người Baduy ở Kanekes, nói với CNA - "Giới trẻ ngày nay chiều nào cũng tụ tập với nhau, nhưng là để xem bóng đá và chơi game. Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều và tôi hơi lo lắng về điều đó".
Không thể thống kê có bao nhiêu người Baduy đang sở hữu điện thoại thông minh. Nhưng số lượng đã tăng lên đáng kể, khiến những người đứng đầu bộ lạc hồi đầu tháng 6 vừa qua phải kiến nghị Chính phủ Indonesia ngắt kết nối internet ở làng Kanekes - một động thái cũng đã gây ra ít nhiều sự chia rẽ trong cộng đồng.
Bất chấp ác cảm của bộ lạc đối với công nghệ, một số thành viên cộng đồng Baduy vẫn bí mật sử dụng điện thoại thông minh trong nhiều năm qua, tại nhà riêng đóng kín cửa hoặc khi họ rời khỏi làng. Họ thường sẽ sạc điện thoại ở các làng Ciboleger và Cijahe lân cận. Cả hai ngôi làng này đều đóng vai trò là điểm trung chuyển chính cho khách du lịch muốn đến thăm Kanekes.
Người Baduy có thể phải đối mặt với những khoản tiền phạt nặng, và thậm chí có thể bị trục xuất khỏi cộng đồng vì vi phạm tục lệ của bộ tộc. Theo cư dân Baduy Jamal, hội đồng bộ lạc sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra vài tháng một lần để tìm kiếm bất cứ thứ gì được mang đến từ thế giới bên ngoài.
Các quy tắc cũng đã được nới lỏng khi đại dịch bùng phát. "Chúng tôi đã phải vật lộn tìm cách để bán được các sản phẩm của mình. Vì vậy, tôi đã thành lập một cửa hàng trực tuyến" - một cư dân Baduy khác là Ako Sarka nói với CNA.
Sử dụng số tiền tiết kiệm được từ việc bán vải dệt thủ công, túi lưới và vòng tay mây cho khách du lịch, Ako đến thị trấn gần nhất Rangkasbitung - cách Kanekes 7 giờ đi bộ - để mua điện thoại thông minh và mở tài khoản ngân hàng.
Chàng trai 25 tuổi đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình. Ako cũng bắt đầu mở kênh YouTube của riêng mình, ghi lại các hoạt động hàng ngày của bản thân và giới thiệu cho thế giới bên ngoài về truyền thống và phong tục ở làng Kanekes.
“Có nhiều người sáng tạo nội dung đã đến đây và lan truyền thông tin sai lệch về Baduy, lừa dối hàng triệu người xem những video như thế. Vì vậy, tôi muốn tạo ra thứ gì đó từ góc nhìn của chính chúng tôi" - Ako nói. Anh hiện có hơn 90.000 người đăng ký trên YouTube và 3.000 người theo dõi trên Instagram.
Kể từ khi bắt đầu bán sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, Ako cho biết kinh tế gia đình anh đã cải thiện đáng kể. Mỗi tháng, anh kiếm được ít nhất 8 triệu rupiah (500 USD) từ việc bán quần áo và các sản phẩm khác, gần gấp 3 lần mức lương tối thiểu ở Kanekes. Ako còn nhận quảng bá và bán sản phẩm của một số người thân và bạn bè với chi phí vừa phải.
Chính phủ vào cuộc
Nhưng không thể phủ nhận, sau tất cả những lợi ích to lớn đó, công nghệ vẫn là một nỗi phiền phức với người Baduy.
Theo số liệu từ Kanekes, mỗi ngày có hơn 1.000 du khách đổ về ngôi làng nguyên sơ này. Hầu hết các du khách bị thu hút bởi các bài đăng trên mạng xã hội mà họ thấy về văn hóa độc đáo và sự quyến rũ của người Baduy. Tuy nhiên, không phải ai cũng tôn trọng luật tục và sự riêng tư của cộng đồng.
"Những du khách đã chụp ảnh mọi người mà không được phép, kể cả những người đang tắm trên sông" - Trưởng làng Kanekes, Jaro Saija, cho biết.
Tộc người Baduy được chia thành hai nhóm chính: "Baduy ngoại" - những người được phép tiếp xúc với thế giới bên ngoài - và "Baduy nội" - những người canh giữ những nơi mà cả bộ lạc coi là linh thiêng. Cả hai có thể dễ dàng phân biệt bằng màu sắc quần áo họ mặc: Màu đen cho người "Baduy ngoại" và màu trắng cho "Baduy nội".
Ông Saija nói rằng du khách có thể tự do chụp ảnh và quay phim người "Baduy ngoại", nhưng tuyệt đối không được làm như vậy ở các khu vực của "Baduy nội". "Có những địa điểm và đồ vật linh thiêng không được phép làm ô uế bởi công nghệ và bị ảnh hưởng bên ngoài" - vị trưởng làng giải thích.
Nhưng đôi khi, du khách đến Kanekes vẫn sẽ mạo hiểm vào các khu vực "Baduy nội" và phá vỡ những điều cấm kỵ này. Cũng theo ông Saija, mỗi lần để xảy ra tình huống như vậy, người Baduy phải thực hiện các nghi lễ phức tạp mà họ tin là để xoa dịu những thần linh ngự trị nơi đây, bằng không ngôi làng của họ sẽ gặp tai họa.
Trả lời CNA, Ajis Suhendi, trợ lý bộ trưởng kinh tế và phát triển của chính quyền, cho biết giới chức khu vực hoàn toàn nhận thức được nỗi lo lắng của người Baduy, cũng như những bất đồng về công nghệ trong cộng đồng, nhưng sẵn sàng tôn trọng mọi quyết định của bộ lạc.
Ông Suhendi cho biết, hiện tại, tất cả các thành viên của cộng đồng Baduy dường như đồng ý rằng khu vực của "Baduy nội" sẽ không có internet. "Nhưng trong trường hợp họ đổi ý trong tương lai, chúng tôi có thể thành lập một trung tâm SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) ngay bên ngoài khu vực bộ lạc Baduy, để họ có thể tiếp tục bán và quảng bá sản phẩm của mình ra thế giới bên ngoài" - vị quan chức nói.
Anik Sakinah, giám đốc cơ quan thông tin và truyền thông của chính quyền, nói rằng các quan chức từ Jakarta cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát ban đầu về khu vực và nhận thấy tín hiệu di động ở khu vực "Baduy nội" rất yếu, không đủ để tải xuống hoặc tải lên bất kỳ dữ liệu nào.
"Khó khăn là không có căn cứ về mặt hành chính để xác định đâu là khu vực nội và ngoại, vì người Baduy sử dụng các đặc điểm địa lý như đồi, thung lũng và sông để xác định ranh giới giữa các khu vực này" - cô Sakinah nói, giải thích chính quyền sẽ cần thời gian để tiến hành một cuộc khảo sát chuyên sâu về khu vực, để tránh làm ảnh hưởng đến các vùng bên ngoài bộ lạc Baduy.
Về phần mình, YouTuber Ako cho biết anh sẵn sàng chấp nhận bất cứ quyết định nào của bộ lạc. "Tôi nghĩ rằng internet rất quan trọng đối với người 'Baduy ngoại', cho mục tiêu liên lạc. Nhưng nếu bộ lạc cấm (sử dụng internet) thì chúng tôi sẽ phải tôn trọng, bất cứ điều gì bộ lạc đã quyết định".