Cơ thể gầy còm, làn da xanh xao như người đang bệnh sốt rét. Trên trán nó lấm tấm những giọt mồ hôi, có giọt đang chảy xuống khóe miệng thành những vệt dài. Trước ngực nó là chiếc túi vải nhỏ cũ mèm, cáu bẩn dùng để đựng tiền bán vé số hàng ngày. Chân Thân chai sạn và chi chít sẹo do mỗi ngày cuốc bộ hàng chục cây số mà không hề sắm nổi một đôi dép, dù rất rẻ tiền. Mái tóc dài óng mượt hôm nào ngoại nó vừa gội bằng bồ kết vừa tấm tắc xuýt xoa “Tóc con đen và mượt lắm, cố mà giữ nghe, răng với tóc là gốc con người đó con”. Vậy mà giờ đây mái tóc ấy đã hoe vàng khen khét mùi nắng cháy sau những tháng ngày rong ruổi mưu sinh.
Có lẽ đoán trước số phận của con mình nên mẹ Thân đặt tên rất buồn cho bốn đứa con: Thân, Phận, Lạc, Loài. Quả nhiên bao cay đắng đã ập xuống và đeo đẳng chúng nó từ tấm bé cho đến bây giờ. Hôm qua, Thân cùng Lan – bạn nó cùng bán vé số - đứng thật lâu ở cổng trường để nhìn đứa bạn trạc tuổi như chúng đang nô đùa học tập hạnh phúc trong những bộ áo quần sang trọng. Thèm thuồng đến nỗi khi người bảo vệ trường đến đuổi đi mà chúng cũng không hay. Bất giác cả hai cùng òa lên khóc nức nở vì tủi hờn. Đi bán vé số về tới gần nhà, Thân đã nghe giọng nói oang oang, the thé, chanh chua, chì chiết của bà Ánh – người chuyên cho vay nặng lãi ở cái xóm nghèo nầy. - Không trả tiền cho tao thì dọn nhà ra chùa, ra miếu mà ở. Tao cho vay mấy chục năm rồi không có thằng nào, con nào quỵt của tao được một xu… Hờm…Hờm! Nói dứt lời, bà Ánh ục ịch ngoe nguẩy lên xe với tấm thân đẫy đà béo phịch. Người đạp xe lôi cố gắng lắm mới lăn được những vòng bánh xe đầu tiên rất khổ sở với người khách “quá khổ” của mình. Đi ngang thấy Thân đang cúi mọp đầu chào hỏi, bà nguýt dài một hơi với cái nhìn khinh bỉ, miệt thị. Nhiều lúc Thân cũng không hiểu được con người bà Ánh. Người luôn mở miệng bô bô là sống nhân đức hay làm phước cho mọi người nghèo, tháng nào cũng đi chùa cầu kinh nguyện phật. Vậy mà bà ấy sẵn sàng nhiếc mắng thậm tệ, sỉ nhục con nợ với lời lẽ rất thô tục, thậm chí còn hành hung bằng những gì có được trong tay. Điều trớ trêu và nghịch lý nhất là cứ sau mỗi lần nguyền rủa người khác, bà lại nguyện cầu “…nam mô a di đà phật…”. Trong nhà, ba Thân đang nằm co ro trên chiếc giường tre ọp ẹp mà mỗi khi ông trở mình, những tiếng kêu răng rắc lại vang lên. Tiếng mối ăn cột nhà rào rào. Mắt ông trũng sâu nhiều đêm thức trắng do cơn bệnh lao phổi thời kỳ cuối hoành hành. Thỉnh thoảng, ông lại đăm đăm nhìn lên mái nhà dột nát với hàng trăm tia nắng xuyên qua các lỗ rách của mái tôn cũ nát. Những cọng gân xanh to tướng nhảy bần bật trên cổ, trên tay chân như cố chống chọi với lưỡi hái tử thần. Phía góc trong, bà Kim – người vợ chấp nối với ông vẫn thản nhiên ngồi giũa móng tay. - Bà coi trong nhà có còn gì bán được để đóng lời cho người ta không? Tui tủi nhục quá. - “Còn gì mà bán. Cha con ông liệu đường mà tính. Tui sẽ đi khỏi căn nhà tanh tưởi nầy. Ở đây với ông, người không ra người, ma không ra ma, lại còn cái lũ con dơ bẩn của ông. Tôi chịu hết nổi rồi” - tiếng bà Kim chắc nịch. Nói là làm. Bà đứng lên thu xếp tất cả quần áo vào chiếc giỏ xách thản nhiên bước ra khỏi nhà không hề quay đầu nhìn lại dù chỉ một lần. Bà cười đắc ý và thở phào vì vừa trút bỏ được gánh nặng. Đứng nép sau cánh cửa, Thân nhìn theo bóng dáng bà Kim với lòng oán giận vô bờ. Giá như ngày ấy ba mẹ Thân đừng vì ham muốn một đứa con trai để nối dõi tông đường thì đâu đến nỗi nầy. Bốn chị em gái nối nhau chào đời. Lần vượt cạn thứ tư cũng là lần cuối cùng mẹ Thân đã không qua được. Từ đó, bốn chị em Thân mồ côi, trên bâu áo có thêm một mảnh vải tang đen. Ba Thân suy sụp nhanh chóng như cành củi mục mắc mưa trong cảnh gà trống nuôi con. Bao nhiêu tài sản lần lượt đội nón ra đi để trang trải đám tang, nợ nần, thuốc thang cho cơn bệnh lao phổi và sốt rét của ông khi còn ở chiến trường. Căn nhà cấp bốn phải bán đi, năm cha con đùm bọc nhau trong căn phòng chật hẹp thuê lại của bà Ánh. Mùa nắng bốc mùi hôi thối từ phía dòng kênh đen kịt, mùa mưa thì ngập nghẹt, nước bẩn tràn vào đến tận giường ngủ. Mặc. Có chỗ ở là tốt lắm rồi. Năm năm sau, ba Thân đi thêm bước nữa với bà Kim, người đồng đội cũ ở chiến trường năm xưa với hy vọng các con mình sẽ đỡ vất vả cô độc trong cuộc đời. Và ông cũng mong có người chăm lo bệnh tật khi trái gió trở trời. Vậy mà khi về sống chung, ông giật mình về những sự thay đổi đến khó tin. Người đồng đội ấy năm xưa dũng cảm thẳng thắn trung thực biết bao, giờ đã hóa thành một người đàn bà sống thực dụng, suốt ngày la cà đánh bạc. Đã vậy bà ta luôn chì chiết và trút những trận đòn roi xuống đám con chồng mỗi khi thua bạc. Mỗi ngày từ mờ sáng, ba Thân đã gò lưng trên chiếc xe lôi đạp và tối mịt mới về trong chếnh choáng men say. Ông quẳng những đồng tiền nhàu nát cho bà rồi ngủ vùi… *** Thân cố nén cơn xúc động, lau vội những giọt nước mắt, bước vào nhà. - Ba cố ngồi dậy ăn đòn bánh tét con mới mua rồi uống thuốc nghe ba. Dì nói vậy chớ vài hôm sẽ về với nhà mình thôi. Nói trấn an chớ Thân biết người đàn bà ấy sẽ không bao giờ trở lại căn nhà tồi tàn nầy nữa, Vậy càng tốt, chỉ sợ ba buồn và trống vắng. - “Ba chưa đói, con chừa bánh cho các em đi, sao giờ nầy chưa thấy tụi nhỏ về vậy?” - ba Thân cố cất tiếng hỏi yếu ớt. Nhìn đôi mắt thâm quầng của ông, Thân hiểu ba mình đang cố dằn cái thèm ăn đòn bánh để dành lại cho các con trong những ngày còn lại của cuộc đời. Nó đau xót nắm lấy tay ông. - Chắc mấy em cũng sắp về thôi, ba đừng lo. Nói cho ông an tâm chứ nó biết lúc nầy mấy đứa em mình lượm rác vất vả hơn trước nhiều lắm. Bọn trẻ làm nghề nầy ngày một đông nên lũ nhỏ phải lượm cật lực đến tối mò mới về đến nhà trong mùi xú uế hôi hám nồng nặc. Có hôm đi bán vé số ngang qua bãi rác, Thân thấy chúng nó ôm nhau ngủ ngon lành dưới những gốc chuối xơ rơ. Thân đứng nhìn thật lâu, lau vội những giọt nước mắt rồi len lén bỏ vào giỏ chúng những củ khoai lang. Tối đêm ấy, chúng hí hửng khoe với Thân: - Bữa nay tụi em gặp tiên cho mấy củ khoai, ăn “đã” quá chừng. Vừa chải đầu cho mấy đứa, Thân vừa nói: - Ờ, chắc mẹ linh thiêng về phù hộ chị em mình, mai mốt chắc hết khổ... Sáng nay, nhà Thân có nhiều người đến thăm. Tiếng chú Sáu, chủ tịch mặt trận sang sảng: - Có tin vui cho mấy cha con đây, phường sẽ hỗ trợ một lô sách báo trong chợ cho gia đình. Vốn liếng tụi tui cho mượn, lại được ưu tiên giảm thuế. Mấy đứa nhỏ sẽ được đi học. Sắp tới còn cất cho chú căn nhà tình nghĩa, thương binh mà, tụi nầy phải lo chớ. - “Chưa hết đâu nghe, phường còn chuẩn bị lo cho anh chữa bệnh, ráng mà sống với mấy đứa nhỏ” - tiếng dì Tư, hội phụ nữ chen vào. Từ hai hố mắt sâu hõm của người thương binh, những giọt nước mắt cứ thỏa sức lăn dài. Niềm vui đến quá bất ngờ làm ông nghẹn ngào không thốt nên lời... *** Trên con đường lớn, rất đông người hiếu kỳ vây quanh hiện trường một vụ tai nạn mới xảy ra. Một thằng choai choai tóc nhuộm vàng đang khật khưỡng vì say rượu bước ra khỏi chiếc xe hơi bóng loáng. Trước đầu xe là thân thể một con bé đang nằm sóng soài trên vũng máu. Những tờ vé số bay tung tóe trên mặt đường. Người đi đường bế thốc nó lên phóng nhanh vào bệnh viên. Trên tay nó vẫn cứ khư khư nắm chắc chiếc túi vải nhỏ xíu cáu bẩn đựng tiền. Những đồng tiền mới bán được chiều nay dù nhỏ nhoi nhưng đầy nước mắt thánh thiện, sạch trong.
Minh họa: Quỳnh Hoa |