Chuyến đi nhiều thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 23/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu thực hiện chuyến công du châu Á, vốn đã bị trì hoãn từ năm ngoái do cuộc chiến nâng trần nợ công.

Với các điểm dừng chân là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, chuyến đi của ông Obama một lần nữa cho thấy quyết tâm theo đuổi chính sách xoay trục của Washington.

Giữa lúc căng thẳng địa chính trị trong khu vực đang leo thang, chuyến thăm của ông Obama là lời khẳng định nước Mỹ sẽ không đứng ngoài các vấn đề nổi cộm tại đây. Sự hoài nghi về chiến lược xoay trục của Mỹ tại khu vực đã gia tăng sau khi Tổng thống Obama hủy chuyến công du tới khu vực để tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh hồi cuối năm ngoái. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ phải đảm đương nhiệm vụ khó khăn là thuyết phục các nhà lãnh đạo Đông Bắc Á và Đông Nam Á tin rằng, Washington sẽ tiếp tục sát cánh bên các đồng minh thân cận.

 
Một trong những mục tiêu hàng đầu của chuyến thăm châu Á sắp tới của ông Obama là củng cố                quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc - Hoa Kỳ để cùng đối phó với Trung Quốc.           Ảnh:AFP
Một trong những mục tiêu hàng đầu của chuyến thăm châu Á sắp tới của ông Obama là củng cố quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc - Hoa Kỳ để cùng đối phó với Trung Quốc. Ảnh:AFP

Tuy nhiên, việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 21/4 gửi đồ cúng tới đền Yasukuni đã khiến Trung Quốc và Hàn Quốc nổi giận và buộc ông Obama phải tìm ra giải pháp để bất đồng giữa hai đồng minh Nhật - Hàn không gia tăng, gây ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ tại khu vực. Trước đó, bầu không khí tại Đông Bắc Á cũng bị đốt nóng sau khi một tòa án về hàng hải ở Thượng Hải (Trung Quốc) hôm 19/4 ra lệnh bắt giữ một con tàu của Công ty Hàng hải Mitsui OSK Lines (Nhật Bản) do không thanh toán tiền bồi thường xuất phát từ các nghĩa vụ thời chiến. Đây là lần đầu tiên, tài sản của một công ty Nhật Bản bị tịch thu trong một vụ kiện liên quan tới đền bù từ Thế chiến II và Tokyo đã cảnh báo, động thái này sẽ gây tác động bất lợi cho hoạt động thương mại của Nhật Bản ở Trung Quốc.

Mối quan hệ phức tạp giữa tam giác quyền lực Đông Bắc Á là Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc đang khiến Mỹ bị "mắc kẹt" và khó đưa ra được những tuyên bố, hành động mạnh mẽ như mong muốn. Mỹ không thể đứng về phía Nhật Bản hay Hàn Quốc trong những vấn đề do lịch sử để lại; càng không thể ra mặt "bênh" Nhật Bản hay Philippines trong các vấn đề liên quan tới tranh chấp trên biển mà làm mếch lòng Trung Quốc - đối tác kiểu mới của Washington. Tìm cách giải quyết ổn thỏa mối quan hệ phức tạp trên là cách giải quyết khôn ngoan nhất của Mỹ trong bối cảnh hiện nay. Vì nếu bất đồng giữa các bên không được giải quyết, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc - Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới sẽ tác động tiêu cực đến Mỹ - nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Kinh tế cũng là nét trọng tâm của chuyến đi này. Mỹ rất cần thời gian để tạo niềm tin vững chắc cho các đối tác nhằm tiến tới một Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì thế, không ngạc nhiên, trong chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Malaysia kể từ năm 1966, ông Obama sẽ tìm cách thuyết phục Malaysia tham gia TPP. Khi TPP được ký kết, Hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và trở thành chìa khoá để Mỹ giải quyết tình trạng thất nghiệp vẫn đang ở mức cao trên 7%.

Hiện, chưa biết những mục tiêu đầy tham vọng của ông Obama trong chuyến đi này có trở thành hiện thực hay không nhưng nhiều chuyên gia khẳng định, sự hiện diện của ông chủ Nhà Trắng tại khu vực cho thấy vị thế và tầm quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương trên sân khấu chính trị toàn cầu.