Xi măng phát thải khí lớn nhất
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT), Bộ Xây dựng, hai nhóm đối tượng phát sinh lượng khí nhà kính lớn nhất trong ngành xây dựng là sản xuất VLXD và vận hành tòa nhà.
Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm 70% tổng phát thải trong sản xuất VLXD năm 2015. Tỷ trọng này tăng lên 75% năm 2020. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm vôi, xi măng là cao nhất.
Ngành công nghiệp thép cũng tiêu thụ năng lượng lớn và ngày càng tăng, chiếm xấp xỉ 5,2% tổng tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp với tổng phát thải khí nhà kính 12,7 triệu tấn CO2, tương đương vào năm 2016.
Hiện nay, ở Việt Nam có 50 cơ sở sản xuất xi măng và 91 cơ sở sản xuất thép đã được ghi nhận phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và danh sách các DN sẽ được cập nhật 2 năm/lần.
Trong đó, Chính phủ Việt Nam xác định, ngành xi măng và thép phải ưu tiên tham gia hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS). Đây là hai ngành quan trọng cần thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của Quốc gia.
Về vấn đề này, TS Hoàng Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam sử dụng trung bình 1,55 tấn nguyên liệu (đá vôi, đất sét, phụ gia)/tấn clanke; tiêu tốn khoảng 800 kcal/kg clanke (tùy vào lò nung); tiêu hao trung bình 95 kWh điện/tấn xi măng. Trong khi đó, hiện nay đã lắp đặt 23 dây chuyền tổng công suất 165,37 MW (chiếm 20 - 30% lượng điện năng tiêu thụ).
100% các nhà máy sản xuất xi măng phải báo cáo số liệu hoạt động và thông tin liên quan để phục vụ kiểm kê khí nhà kính hàng năm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Áp lực giảm phát thải khí nhà kính tất yếu sẽ đặt ra những thách thức cho ngành trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam
Lương Đức Long
Lãnh đạo Vụ VLXD thông tin thêm, giai đoạn 2021 - 2030, việc đầu tư mới nhà máy sản xuất clanke phải đáp ứng các tiêu chí như: công suất trên 5.000 tấn/ngày/dây chuyền; gắn với vùng nguyên liệu; đầu tư đồng thời hệ thống tận dụng nhiệt khí thải cùng với các chỉ tiêu công nghệ và môi trường khác. Đến năm 2025, các dây chuyền clanke công suất thấp hơn 2.500 tấn/ngày phải đổi mới công nghệ, đầu tư trạm nghiền công suất phù hợp với cùng nguyên liệu và tăng tỷ lệ pha phụ gia.
Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu
Tham tán Đại sứ về Biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam Mark George nhìn nhận, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực trong giảm phát thải khí nhà kính nói chung, trong ngành công nghiệp xi măng và thép tại Việt Nam nói riêng. Kế hoạch điều tiết thị trường carbon trong nước vào năm 2025 là một bước quan trọng, giúp các DN giảm phát thải một cách hiệu quả và tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế.
Điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU và Mỹ bằng cách giúp các sản phẩm của Việt Nam tránh được thuế nhập khẩu dựa trên khí thải. Nằm trong top đầu các quốc gia xuất khẩu xi măng và sắt thép, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc xanh hóa sản xuất trong những ngành đặc thù này.
Với thị trường EU, CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 1/10/2023, giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/1/2024. Công cụ chính sách mới này cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu trong các ngành có mức phát thải cao gồm sản xuất gang, thép, nhôm, phân bón, xi măng, điện và hydrogen. Thuế bổ sung này được gọi là thuế carbon và được tính toán dựa trên mức độ phát thải của sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh CBAM, Anh cũng đang tiến hành tham vấn về một cơ chế tương tự từ ngày 30/3 đến hết ngày 22/6/2023. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin, Chính phủ Anh đang tiến hành lộ trình 5 bước trong xây dựng và triển khai CBAM. Trước những tác thái này, Thương vụ Việt Nam tại Anh kiến nghị, DN Việt Nam trong các ngành chịu tác động của CBAM cần tăng tốc chuyển đổi năng lượng và từng bước ứng dụng công nghệ phi carbon hóa trong sản xuất.
Về dài hạn, CBAM sẽ tác động tới sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gang, thép, nhôm, xi măng và phân bón của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các ngành này sẽ gặp khó khăn khi lợi thế cạnh tranh nhờ giá điện rẻ hơn và chi phí bảo vệ môi trường thấp hơn sẽ giảm sút vì chi phí thuế carbon qua biên giới mới phát sinh. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp phát thải thấp sẽ có cơ hội tăng trưởng trong khi khối ngành công nghiệp phát thải cao sẽ suy giảm.