Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số báo chí: Thay đổi để phát triển

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến tới 2025, 70% cơ quan báo chí của Việt Nam sẽ đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số như cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tới 2025, 70% cơ quan báo chí số hóa nội dung

Văn phòng Chính phủ vừa gửi lấy ý kiến của một số cơ quan, đơn vị trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là Chiến lược do Bộ TT&TT chủ trì và xây dựng từ tháng 5/2021.

Dự thảo đề ra tầm nhìn Việt Nam sẽ có nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội. Cơ quan quản lý Nhà nước định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng.

Mục tiêu chung của Dự thảo chiến lược là báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả. Người dân, tổ chức, DN được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Bên cạnh đó là thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.

Phát triển một số cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, đa nền tảng, đi đầu trong chuyển đổi số báo chí. Phát triển nền tảng phân phối nội dung trong nước, hạn chế sự phụ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ bản quyền báo chí, đảm bảo công bằng quyền lợi của cơ quan báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.

Về mục tiêu cụ thể, theo Dự thảo chiến lược, tới năm 2025, 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí...

Cũng tới thời điểm trên, 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân.

Các phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện. Ảnh Hoàng Triều
Các phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện. Ảnh Hoàng Triều

Chuyển đổi số là tất yếu

Theo thống kê, tính đến hết năm 2021, cả nước đang có 816 cơ quan báo chí, mặc dù tăng về số lượng nhưng doanh thu lại liên tục đi xuống trong 2 năm trở lại đây. Cụ thể, số liệu từ 159 cơ quan báo chí in và điện tử cho thấy, nếu doanh thu 2020 đang ở mức 3.115 tỷ đồng thì bước sang 2021 con số này chỉ còn 2.123 tỷ đồng, giảm tới 31,4%.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do báo chí trong nước đang tỏ ra tụt hậu và kém cạnh tranh, ngay cả trong mảng cốt lõi của mình là “tin tức” so với các mô hình truyền thông mới, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google … Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi số sẽ là hướng đi sống còn với báo chí nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời gian tới.

Nói về sự thay đổi mang tính bước ngoặt này, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm khẳng định, chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ và nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, báo chí cũng không thể nằm ngoài xu hướng này. Chỉ có chuyển mình theo hướng hiện đại thì báo chí trong nước mới có thể tiếp tục phát triển.

"Trong những năm gần đây, nguồn thu quảng cáo của báo chí tiếp tục dịch chuyển sang các nền tảng truyền thông mới, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới. Không dừng lại ở đó, báo chí trong nước đang phải chịu thiệt hại khi chưa được các nền tảng trên chia sẻ thỏa đáng doanh thu từ khai thác thông tin mà mình sản xuất. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng này"- ông Trần Thanh Lâm chia sẻ.

Có cùng quan điểm, Tổng Biên tập Vietnamnet Phạm Anh Tuấn khẳng định: "Chuyển đổi số không chỉ là quá trình số hóa hay nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin mà còn là việc đưa vào công nghệ số để thay đổi cách thức vận hành, thay đổi mô hình kinh doanh, tư duy lại cách thức tổ chức, hoạt động của một tờ báo. Chuyển đổi số cũng có thể hiểu là làm ngược lại những gì đang làm. Ví dụ, tòa soạn sẽ không còn là người làm báo mà là người đọc báo, độc giả sẽ không còn là người đọc báo mà là người làm báo. Độc giả viết, tòa soạn chọn lọc và xuất bản. Nội dung tờ báo sẽ do người đọc xây dựng nên".

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng. Không chỉ nằm ở việc tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn ở khâu hỗ trợ xây dựng hạ tầng, nền tảng công nghệ, phân tích xu hướng mạng xã hội, cảnh báo cùng khắc phục sự cố công nghệ thông tin…

Bên cạnh đó Nhà nước cũng có thể hỗ trợ bằng việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các mô hình liên kết giữa báo chí với các công ty công nghệ số, nhà mạng viễn thông, các DN quảng cáo, các nền tảng phân phối nội dung xuyên biên giới. Thúc đẩy các mô hình liên kết giữa báo chí với các chủ thể kinh tế khác, đa dạng hóa nguồn thu báo chí, khuyến khích phát triển và tăng cường sức mạnh cạnh tranh của ngành công nghiệp nội dung Việt Nam.

 

Ngày nay, phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem đã chuyển từ bị động sang chủ động và những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, điều hướng nội dung, đáp ứng nhu cầu, sở thích trên. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành và quản lý hoạt động theo mô hình mới đa nền tảng, nắm bắt nhanh và dự báo sớm được các xu thế phát triển của báo chí thế giới cũng như nhu cầu của độc giả trong nước.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm

 

 

Dự thảo chiến lược chuyển đổi số báo chí đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật; Tái cơ cấu tổ chức và quy trình tác nghiệp của các cơ quan báo chí; Phát triển dữ liệu số ngành báo chí; Phát triển các sản phẩm báo chí số; Phát triển nền tảng số; Bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo chí; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.