Nhấn mạnh quan điểm người dân là trung tâm của chuyển đổi số (CĐS), các đơn vị từ trung ương đến địa phương đã có nhiều kết quả tích cực về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); an toàn, an ninh mạng (ATANM); dữ liệu số… trong tháng 9 vừa qua.
Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt trên 68%
Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia đã ghi nhận tích hợp liên thông với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) của các cơ quan, đơn vị; công khai toàn bộ hơn 6,3 nghìn thủ tục hành chính (TTHC), trong đó đã cung cấp 4.543 DVCTT; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ, ngành đạt 78,55%, tại địa phương đạt 68,59%.
Trong 9 tháng đầu năm, Cổng đã có hơn 5,6 triệu tài khoản đăng ký, hơn 87,37 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 13 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 19,8 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 13 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4.000 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 34/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ này.
Bên cạnh đó, vấn đề ATANM đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 903 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin (HTTT) tại Việt Nam (873 cuộc tấn công giả mạo, 0 cuộc tấn công thay đổi giao diện, 30 cuộc mã độc, giảm 35,6% so với tháng 8/2023 (1.402 cuộc), giảm 8,6% so với cùng kỳ tháng 9/2022 (988 cuộc).
Trong tháng 9, cũng ghi nhận hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn HTTT là 1.982 HTTT, tăng 1,7% so với tháng 8/2023 (1.949 HTTT được phê duyệt cấp độ), tăng 106,5% cùng kỳ tháng 9/2022 (960 HTTT được phê duyệt cấp độ). Tổng số HTTT trên toàn quốc là 3.161.
Về dữ liệu số, ghi nhận kết quả tích cực thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng đạt 21.231.141 giao dịch thành công, trung bình hàng ngày có khoảng 1,4 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.
Các CSDL về dân cư đã kết nối chính thức với 15 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp (DN) nhà nước (EVN), 03 DN viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin; cán bộ, công chức, viên chức kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương.
Các lĩnh vực có thế mạnh cần được ưu tiên
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là văn bản vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính kế hoạch hành động để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào đó triển khai CĐS trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.
Đồng thời, triển khai các nội dung để cung cấp DVCTT toàn trình, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mong muốn và thực sự sử dụng hiệu quả DVCTT.
Cùng với đó, tích cực triển khai phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS, đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Các đơn vị cũng cần chú trọng đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu hai chiều với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hoàn thiện các chức năng của Hệ thống về dữ liệu mở, giao diện người dùng, tổng hợp, trực quan hoá dữ liệu.
Cũng theo Bộ TT-TT, các đơn vị cần tập tập trung rà soát, hoàn thiện các CSDL hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương với CSDL quốc gia về dân cư, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các CSDL Quốc gia, CSDL chuyên ngành để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp và cung cấp DVCTT, giảm thiểu giấy tờ, thời gian cho người dân và DN thực hiện TTHC.
Các đơn vị cũng cần tích cực đẩy mạnh, phối hợp với Bộ TT-TT rà soát, nghiên cứu, soạn thảo các văn bản quy định chi tiết của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để triển khai, thực hiện; tập trung ưu tiên CĐS các lĩnh vực có thế mạnh, tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội.