Chuyển đổi số: Giải pháp khắc phục điểm yếu cố hữu của ngành nông nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ''Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những yếu tố then chốt giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, thông tin minh bạch, chính xác, kết nối sản xuất cung - cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường''… Là ý kiến chung của các nhà quản lý, chuyên gia, DN tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 6 với chủ đề: “Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 2/12.

 Toàn cảnh diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, hiện nay kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân.
Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, DN nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.
Ngoài ra, số hóa còn giúp thông tin minh bạch, chính xác, kết nối sản xuất cung - cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường. Do đó, chuyển đổi số là giải pháp tích cực có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công sẽ là yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi số quốc gia thành công.
“Tính đến tháng 11/2021, đã có hơn 2 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, với gần 50.000 sản phẩm nông sản nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử được thực hiện” - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn thông tin.
Chia sẻ thêm về ưu điểm của chuyển đổi số nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức tiến cho biết, hiện cả nước có 4,1 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng lại được chia nhỏ ra thành 7 triệu mảnh ruộng, trải dài trên 14 vĩ độ của 7 vùng sinh thái khác nhau.
 Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại.
Hàng năm, Việt Nam cũng xuất khẩu tới 42 - 43 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ; trong đó có 10 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như lúa gạo, tôm, cá tra, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sắn, đồ gỗ… Đây thực sự là một số liệu, dữ liệu khổng lồ đòi hỏi nếu không được "số hóa" hay chuyển đổi số từ các dữ liệu đơn lẻ, từ cách hình thức ghi chép, thống kê khác nhau thành một kho dữ liệu để phục vụ cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để công cuộc chuyển đổi số của ngành nông nghiệp thành công một phần phụ thuộc vào gần 100 nông dân xuất sắc trên cả nước có mặt tại diễn đàn. Đây sẽ là lực lượng đi đầu, dẫn dắt để cho hàng triệu hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp.
 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn.
Chia sẻ kinh nghiệm của Bắc Giang trong tiêu thụ vải thiều và các nông sản khác năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn, cho biết, hàng nghìn tấn vải được đưa tới tay khách hàng trong và ngoài nước qua hoạt động thương mại điện tử. Số lượng tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 8.000 tấn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều phù hợp với cấp độ của dịch, phù hợp với từng thị trường, từng kênh phân phối, tiêu thụ. Tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành ứng dụng công nghệ số hóa để tổ chức thành công các hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều, quy mô quốc tế với 30 điểm cầu trong nước và quốc tế với những thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Australia…

Là một trong những nông dân xuất sắc năm 2021, anh Hoàng Quang Đông ở Hưng Yên chia sẻ, khi nói đến Hưng Yên, nhiều người nghĩ ngay đến nhãn lồng nhưng ít ai biết đây còn là thủ phủ của nghệ. Củ nghệ Chí Tân (Khoái Châu) được các đối tác Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu... đến khảo sát, phân tích mẫu phẩm đều đánh giá cao và vượt trội so với sản phẩm nghệ ở các nước trên thế giới.
Với tiềm năng đó, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên đã sớm xây dựng và chủ động sản xuất, chế biến sản phẩm nghệ như bột nghệ, nghệ khô, tinh bột nghệ để phục vụ thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh việc sản xuất, năm 2016 công ty còn đầu tư hàng chục triệu đồng để quảng cáo sản phẩm trên kênh mạng xã hội, sàn thương mại diện tử. Công ty đã thu được thành quả rất tốt, nhiều đại lý đã kết nối, xuất bán thu về hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Trong 3 năm trở lại đây, công ty đã hợp tác với đối tác Nhật Bản, châu Âu... Riêng thị trường Nhật Bản, đơn vị đã xuất khẩu hàng trăm tấn mỗi năm. Sắp tới, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để bán các sản phẩm mới, giá trị cao hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần