Chuyển đổi số - sợi dây gắn kết phụ huynh và nhà trường

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã có sự chuyển đổi số mạnh mẽ khi các hoạt động: Dạy và học, kiểm tra định kỳ cuối năm, tổng kết; tuyển sinh đầu cấp… đều thông qua hình thức trực tuyến. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng và vất vả, ngoài những giá trị tuyệt vời do công nghệ mang lại thì còn có một giá trị tinh thần đẹp đẽ nữa cũng đến từ công nghệ, đó là sự gắn kết giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường.

Kết nối- hỗ trợ kịp thời trong tuyển sinh đầu cấp
Có lẽ chưa bao giờ mối quan hệ giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường lại khăng khít, thân thuộc đến thế. Hễ phụ huynh nào có thắc mắc đều được các thầy cô giải đáp tận tình; để rồi kết thúc cuộc trao đổi, cả 2 bên đều đạt được mục đích: Phụ huynh yên tâm vì được hỗ trợ còn thầy cô vui khi hoàn thành nhiệm vụ. Mối quan hệ 2 chiều này thể hiện rõ ràng nhất qua công tác tuyển sinh đầu cấp được các trường thực hiện vào trung tuần tháng 7/2021.
Thầy Lê Đức Lượng- Trưởng ban Công nghệ thông tin và truyền thông, Trưởng nhóm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến- trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: Giai đoạn tuyển sinh đầu cấp, ban tuyển sinh nhà trường nhận được khá nhiều điện thoại của phụ huynh nhờ trợ giúp các phần việc liên quan đến đăng nhập hồ sơ cho con trên cổng trực tuyến. Có phụ huynh không biết thực hiện thao tác, có phụ huynh lại không có thiết bị và đường truyền để đăng nhập. Với những trường hợp như vậy, nhóm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến đều có cách thức để giúp đỡ kịp thời và tạo sự yên tâm, hài lòng cho phụ huynh khi tên con họ được nhập thành công lên hệ thống tuyển sinh đầu cấp.
Nhóm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến tại các trường hoạt động hiệu quả
“Giai đoạn tuyển sinh trực tiếp (từ 23-28/7) theo kế hoạch lại đúng khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP, nhà trường tiếp tục có những cách thức hỗ trợ hữu ích cho phụ huynh. Đó là khi phụ huynh muốn đối chiếu thông tin tuyển sinh thì gọi điện vào số hỗ trợ, các thầy cô sẽ hướng dẫn gửi hồ sơ qua hòm thư điện tử hoặc Zalo. Tổ tiếp nhận làm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu thông tin trên hệ thống và có phản hồi ngay cho phụ huynh về tình trạng hồ sơ của con mình. “Kể cả khi hồ sơ của con đã đăng nhập thành công thì mối liên hệ giữa ban tuyển sinh và phụ huynh vẫn được duy trì để thuận tiện cho công tác học tập, trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh sau khi vào năm học mới…”- thầy Lê Đức Lượng cho biết.
Cô Nguyễn Bích Huyền- Hiệu trưởng trường mầm non Xuân La, quận Tây Hồ kể lại: “Trước ngày đăng ký tuyển sinh trực tuyến cho trẻ 5 tuổi, nhà trường đã gửi thông báo đến 600 số điện thoại của phụ huynh về việc triển khai đăng ký trực tuyến (gồm thời gian, cách thức đăng ký, video hướng dẫn) để cha mẹ biết thông tin, đăng ký đúng hạn cho con. Hình thức tuyên truyền này của nhà trường đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tin tưởng của nhiều phụ huynh. Từ hướng dẫn chi tiết đó, đa phần phụ huynh tự đăng ký được cho con trên hệ thống và rất nhiều người gọi điện cho cô hiệu trưởng (là số điện thoại hỗ trợ công khai) để gửi lời cảm ơn. Tình cảm ấm áp giữa cô giáo- phụ huynh được bồi đắp, điều này tạo thuận lợi rất lớn cho công tác giảng dạy, chăm sóc trẻ sau này”.
Là một phụ huynh làm nghề buôn bán nhỏ, chị Nguyễn Thu Oanh, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 trường Tiểu học Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Em có sử dụng điện thoại thoại thông minh nhưng chỉ biết nghe- gọi hoặc mở xem youtube lúc bán hàng nên khi bảo đăng ký trực tuyến cho con vào lớp 1 là chịu không biết khai kiểu gì. Nghe tin nhà trường có thầy cô hỗ trợ nên em thường xuyên gọi lên nhờ các thầy cô đăng nhập giúp. Nghe thắc mắc đủ kiểu nhưng các thầy cô vẫn rất tận tình. Giờ con em đã có tên trong danh sách của trường nên em lại càng thấy sự trợ giúp này có ý nghĩa vì đã tạo sự yên tâm cho phụ huynh”.
Tương hỗ trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục
Những ngày học trực tuyến, thầy cô và phụ huynh liên hệ với nhau nhiều hơn trước để trao đổi về tình hình học tập của từng học sinh. Và đến giai đoạn các trường triển khai kiểm tra định kỳ cuối năm bằng hình thức online, việc liên lạc này diễn ra càng thường xuyên hơn trên cơ sở đảm bảo quyền lợi học tập, thi cử tốt nhất cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Phượng- Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Quất, quận Long Biên, Hà Nội nhắc lại câu chuyện kiểm tra cuối năm vừa được thực hiện tại trường mình trong niềm phấn khởi. Theo cô, việc học trực tuyến đã trở thành kỹ năng của cả cô và trò nhà trường nên khi thi trực tuyến, trường không gặp bất cứ trở ngại nào. “Quan trọng nhất là đường truyền, thiết bị đảm bảo để học sinh làm bài thì sau khi trao đổi, các cha mẹ đều nắm được tinh thần và rất ủng hộ phương án nhà trường đưa ra. Công tác kiểm tra của trường diễn ra thuận lợi là bởi sự tham gia nhiệt tình và trách nhiệm của phụ huynh. Mối quan hệ này là thường xuyên và ngày càng thân thiết hơn trong giai đoạn vừa qua”, cô Phượng cho biết.
 Nhiều trường học tại Hà Nội vừa hoàn tất kiểm tra định kỳ cuối năm qua hình thức online
Với khối lớp 1 và lớp 2, việc kiểm tra cuối năm sẽ mất nhiều thời gian hơn do công tác tập huấn, dặn dò của giáo viên với học sinh, phụ huynh sẽ tỉ mỉ, chi tiết hơn. “Trong suốt 2 tuần ôn thi, nhóm Zalo của lớp luôn sáng bởi những thông tin hướng dẫn của cô giáo. Cô liên tục nhắc bố mẹ nhớ lịch thi, thời gian, cách thức thi… để cùng nhau thực hiện. Với những gia đình không có nhiều điều kiện như nhà tôi, ngoài việc nhắc chung trên nhóm cô còn liên tục gọi riêng để hỏi xem có cần trợ giúp gì không. Giờ thì cả lớp đã thi xong rồi nhưng nhìn lại cách cô tận tình hướng dẫn, dạy dỗ các con học, phụ huynh trong lớp đều hài lòng và nể phục…”, một phụ huynh tại quận Hai Bà Trưng chia sẻ.
“Em bình thường công việc rất bận. Nếu như trước đây con học trực tiếp, rất ít khi em liên hệ với cô giáo qua điện thoại nhưng từ ngày học online và đến giờ là thi online, hầu như ngày nào cô và mẹ cũng trao đổi thông tin liên quan đến học tập của con. Bên cạnh đó, trước đây, khi muốn hỏi nhà trường vấn đề gì thường rất ngại thì giờ, ngoài số của cô giáo chủ nhiệm, các phụ huynh còn có số của rất nhiều thầy cô bộ môn và các bộ phận khác như văn phòng, tuyển sinh... Việc trao đổi và giữ mối liên hệ thường xuyên giữa phụ huynh với thầy cô và nhà trường là rất cần thiết bởi sẽ có nhiều vấn đề được giải quyết khi các bên trao đổi cởi mở và hiểu biết lẫn nhau”- chị Nguyễn Thanh Vân, phụ huynh học sinh lớp 1, trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, quận Cầu Giấy, Hà Nội bộc bạch.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục đã và đang khẳng định vai trò, sứ mệnh của mình, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến phức tạp. Chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu, mang đến nhiều hiệu quả, lợi ích trong giảng dạy và cũng là phương tiện để học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà trường được kết nối bình đẳng, chặt chẽ, cởi mở với nhau trên không gian phẳng, giúp đảm bảo tối đa quyền lợi của mỗi học sinh.