Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật: Đa dạng cách tiếp cận

Thái Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” đặt trọng tâm chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) để đáp ứng yêu cầu của người dân trong điều kiện mới.

Trong đó có các dữ liệu thông tin, xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong cập nhật, quản lý công tác tiếp cận pháp luật.

Tìm hiểu pháp luật trên internet để nâng cao nhận thức cho chính bản thân mình. Ảnh: Tâm Anh
Tìm hiểu pháp luật trên internet để nâng cao nhận thức cho chính bản thân mình. Ảnh: Tâm Anh

Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977). Theo đánh giá của các chuyên gia, Đề án 977 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân. Đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL với phương châm tìm hiểu, tuân theo pháp luật vừa là quyền, vừa là trách nhiệm chủ động của mỗi người dân trong xã hội.

Đề án đặt mục tiêu hoàn thành việc rà soát, đề xuất chính sách, thể chế liên quan đến tiếp cận pháp luật của người dân bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn. Đầu tư, hỗ trợ nguồn lực, công nghệ thông tin bảo đảm cho các hoạt động phục vụ yêu cầu tiếp cận pháp luật của người dân của các cơ quan, tổ chức.

Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, việc thực hiện Đề án 977 có nền tảng quan trọng là đến nay, 100% địa phương đã ban hành văn bản triển khai Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021".

Các công việc được ưu tiên gồm xây dựng cổng/trang thông tin điện tử PBGDPL; cập nhật, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Tổng số tin, bài phổ biến, giáo dục pháp luật được đăng tải trên internet là 601.936 tài liệu dưới dạng sổ tay hỏi đáp, tờ gấp, video clip, tiểu phẩm pháp luật, phóng sự, tọa đàm...

Sáng tạo nhưng vẫn phải bài bản, khoa học

Theo thông tin từ Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội, thời gian qua, TP đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh ở cơ sở, cổng/trang thông tin điện tử của các đơn vị...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trang thông tin điện tử phổ biến pháp luật của Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội đã đăng tải trên 2.515 tin, bài, hiện có khoảng 13.000 - 15.000 người truy cập/ngày. Hội đồng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục tuyên truyền pháp luật trên thiết bị điện tử theo mô hình “Cầu thang pháp luật” và màn hình LED (11 video) về những quy định mới của pháp luật về giao thông, phòng, chống dịch Covid-19, phòng, chống tác hại rượu bia, ứng xử trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP cũng tham mưu cho UBND TP tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật qua ứng dụng công nghệ thông tin như cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” bằng hình thức xây dựng video và bình chọn trên website: https://timhieuphapluatmoitruongmang.hanoi.gov.vn, phát động tới cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn TP.

Sở Tư pháp Hà Nội cũng phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng 2 video để tuyên truyền, phổ biến lợi ích, cách thức thực hiện dịch vụ công “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đến tổ chức, công dân trên địa bàn TP.

TP cũng xây dựng nhiều ứng dụng lồng ghép tuyên truyền PBGDPL như Hà Nội smartcity, Hà Nội Media Box trên ứng dụng Zalo và mạng xã hội Lotus. Trong bối cảnh tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối internet ngày càng tăng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL cần được cải tiến, sáng tạo nhưng vẫn phải triển khai bài bản, khoa học.

Theo đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL T.Ư sẽ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức hiệu quả Đề án Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027 và Đề án Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2022 - 2027.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên nguồn lực cho công tác PBGDPL, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác này. Đây là tiền đề để việc PBGDPL ngày càng đa dạng, bài bản hơn.