Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe

TS Nguyễn Thị Thanh Tâm - Viện Lãnh đạo học và Chính sách công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giúp giảm bớt tình trạng quá tải của các bệnh viện công và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy chương trình số hóa tại các bệnh viện và phòng khám trên cả nước.

Các giải pháp thông minh đang được khuyến khích mạnh mẽ, như sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và công nghệ thông tin.
Chuyển đổi số y tế quốc gia

Chương trình Chuyển đổi số y tế quốc gia của Việt Nam đang được Bộ Y tế triển khai trên 4 lĩnh vực chính, đó là: Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe; Chuyển đổi số y tế trong khám chữa bệnh; Chuyển đổi số trong quản trị y tế và Hội thảo chuyên đề quốc tế trực tuyến. Bài viết sau sẽ đi sâu vào chuyên đề “Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe”, một vấn đề mà người dân đang rất quan tâm.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, quá trình Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đang gặp 3 trở ngại chính.

Thứ nhất là thói quen các bác sĩ, chuyên gia y tế và bệnh nhân trong việc sử dụng tài liệu giấy.

Thứ hai, các quy trình hành chính rườm ra và phức tạp làm chậm việc áp dụng kỹ thuật số, ví dụ việc ứng dụng chữ ký điện tử trong thanh toán bảo hiểm y tế quốc gia. Đây chính là trở ngại lớn nhất mà nếu không có cú hích mạnh thì quá trình chuyển đổi số của ngành y tế khó lòng mà tăng tốc.
Nhân viên y tế hội chẩn bệnh án qua hệ thống thiết bị thông minh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng
Thứ ba, các hệ thống CNTT y tế vẫn chưa chia sẻ dữ liệu người bệnh với nhau, liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, hồ sơ sức khỏe. Các bệnh viện cũng sử dụng những giải pháp, phần mềm khác nhau nên việc kết nối dữ liệu với nhau sẽ là một thách thức tương đối lớn.

Việt Nam có 1.531 bệnh viện, trong đó hơn 86% là bệnh viện công và gần 14% là bệnh viện tư, chủ yếu tập trung ở các khu vực đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. 1.318 bệnh viện công được quản lý theo hệ thống phân cấp, được phân loại theo tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện hoặc tuyến xã. Hầu hết các bệnh viện công trong nước đã được xây dựng cách đây hơn hai thập kỷ, cơ sở hạ tầng đã cũ và lạc hậu, cần được nâng cấp.

Tình trạng quá tải thường xuyên xảy ở các bệnh viện chuyên khoa sâu hay một số bệnh viện nổi tiếng đầu ngành. Đa số bệnh nhân muốn được điều trị ở các bệnh viện tuyến trung ương vì có đầy đủ trang thiết bị y tế và đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao. Điều này khiến đội ngũ bác sĩ và y tá nơi đấy luôn trong tình trạng bị quá tải, phải phục vụ số lượng lớn bệnh nhân, làm việc nhiều giờ trong điều kiện căng thẳng với mức lương khá thấp.

Vì thế, dễ hiểu vì sao mục tiêu chuyển đổi số y tế của Việt Nam đến năm 2030 là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Cơ hội lớn

Về vấn đề kinh phí, tổng chi tiêu y tế Việt Nam hơn 17 tỷ USD năm 2019, tương đương 6,6% GDP, đó là ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions. Công ty cũng dự báo rằng chi tiêu cho y tế vào năm 2022 sẽ đạt 23 tỷ USD với mức tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm khoảng 10,7%. Điều này cho thấy tiềm năng y tế Việt Nam nói chung và y tế số (digital healthcare) đang phát triển mạnh trong thời gian tới, một phần là nhờ các nỗ lực của Chính phủ trong việc khuyến khích tận dụng các dịch vụ viễn thông trong ngành y tế, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Về thời cơ, đại dịch Covid-19 là “cú hích trăm năm”, nhất là đối với ngành y tế thế giới và điều này có tác động đến Việt Nam. Năm 2020 - 2021, ngành y tế Việt Nam thực tế đã có những thay đổi về chuyển đổi số nhiều hơn so với hàng chục năm trước đó. Ngành y tế đang hướng tới mục tiêu làm sao để tất cả các nhu cầu thiết yếu của người dân đều được tư vấn tự động để người dân phòng bệnh và biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân.

Ngay cả khu vực y tế tư nhân cũng nhanh chóng tận dụng lợi thế của sự chuyển dịch sang các dịch vụ chăm sóc sức khỏe số. Dịch vụ đặt lịch cho phép bệnh nhân đặt lịch hẹn với bác sĩ mà không cần đến bệnh viện, do đó giảm thời gian xếp hàng và nguy cơ lây nhiễm. Bệnh nhân có thể trao đổi và nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia y tế về các mối quan tâm sức khỏe.

Vài kết quả khích lệ

Trước hết phải nói đến đối với công tác chăm sóc sức khỏe người dân, ngành y tế đã có những thay đổi lớn để tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận thông tin. Việc Bộ Y tế khai trương Cổng công khai y tế để người dân và DN tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh. 99,5% các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam được đánh giá là bước chuyển đáng kể của y tế.

Ngày 25/9/2020 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa -Telehealth, một bước tiến quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân. Trong công tác phòng chống, dịch Covid-19, 2 năm qua, ngành y tế đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn Covid-19…

Bộ Y tế đang hướng tới mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân. Việc này sẽ bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ; phát triển hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm…

Chuyển đổi số y tế thành công cho phép chúng ta bằng các phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, người dân ở một xã vùng sâu, vùng xa, chỉ cần một chiếc điện thoại smartphone đã có thể tiếp cận được hàng nghìn bác sĩ giỏi trên toàn quốc để tư vấn 24/24h.

Còn nhiều việc phải làm

So với yêu cầu đòi hỏi của người dân đối với công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Hiện nay, chỉ mới có 12 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; chỉ mới 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Việc Việt Nam mới có 8 bác sĩ trên 10.000 người dân càng làm cho mục tiêu “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” càng phải nhanh chóng triển khai chuyển đổi số mới hòng thực hiện đúng thời hạn.

Người dân muốn được thuận tiện hơn trong xếp hàng đăng ký khám chữa bệnh, được tư vấn trực tiếp hoặc khám từ xa trực tuyến, qua mạng với bác sĩ phù hợp, thời gian phù hợp, nhất là từ năm 2021 sẽ thực hiện liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây sẽ là giải pháp giảm tải bệnh viện hiệu quả cần được đẩy mạnh. Cùng với hệ thống khám chữa bệnh, tư vấn trực tuyến từ xa, để mọi người dân khi có bệnh thì qua hệ thống đều được biết bác sĩ, cơ sở y tế đến khám là phù hợp.