Chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội thảo cũng có sự tham gia của các lãnh đạo quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các đơn vị xuất bản trong cả nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ tác động nhiều tới việc vận hành, phát triển của các cơ quan báo chí. Trước những thách thức và cơ hội này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó mục tiêu của chiến lược là: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.
Theo chiến lược này, báo chí chuyển đổi số không đơn giản chỉ là số hóa dữ liệu, nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, mà là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí: Từ mô hình tòa soạn, tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất, phát triển nội dung, phương thức tác nghiệp, tiếp thị công chúng, quản lý dữ liệu, văn hóa tòa soạn, đến hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí.
Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn” lần này nhằm mục đích tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý ngành báo chí, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí cập nhật thêm những nội dung mới trong vấn đề lý luận chung về chuyển đổi số báo chí; phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Việt Nam thời gian tới.
Hội thảo đã thu hút hàng chục diễn giả với những bài tham luận làm rõ 3 nội dung cơ bản: Báo chí, xuất bản trong chuyển đổi số: Cơ sở lý luận và thực tiễn; Báo chí, xuất bản trong chuyển đổi số: Thực trạng và kinh nghiệm; Báo chí, xuất bản trong chuyển đổi số: Những vấn đề đặt ra, định hướng, giải pháp và khuyến nghị.
Nhiều cách làm mới, sáng tạo, nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi số tại các đơn vị báo chí đã được lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí-xuất bản chia sẻ tại Hội thảo.
Từ góc độ quản lý báo chí, xuất bản, các diễn giả đã trình bày tham luận chung quanh các nội dung: Chuyển đổi số báo chí, xuất bản – Lý luận và Thực tiễn; Chuyển đổi số xuất bản trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam; Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí – Ích lợi và thách thức; Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – Cơ hội và thách thức; Chuyển đổi số và vấn đề xây dựng Tòa soạn hội tụ hiện nay…
Các diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số báo chí, xuất bản thực tế của đơn vị: Chuyển đổi số phát thanh Việt Nam: Áp lực chuyển đổi số với các cơ quan báo chí – truyền thông; Chuyển đổi số báo chí – Thực tiễn, kinh nghiệm của Báo Bắc Giang; Các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới; Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra đối với chuyển đổi số báo chí ở Báo Tuyên Quang; Chuyển đổi số từ góc nhìn thông tin đồ họa và báo chí dữ liệu của Thông tấn xã Việt Nam…