Chuyển đổi số “xanh” - chìa khóa để phát triển bền vững

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa số hóa, vừa xanh hóa đang đang dần trở thành xu hướng quan trọng đối với quá trình chuyển đổi số tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chuyển đổi số xanh đã mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho Nestle Bông Sen. Ảnh: Phạm Đức
Chuyển đổi số xanh đã mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho Nestle Bông Sen. Ảnh: Phạm Đức

Việc thân thiện với môi trường hơn cũng sẽ giúp DN tiết kiệm được đáng kể chi phí cũng như hướng tới phát triển bền vững.

Số hóa “xanh” là bắt buộc

Với Việt Nam, việc tăng tốc chuyển đổi số nhằm hướng tới một nền xã hội số - kinh tế số toàn diện không chỉ nhằm đạt được các giá trị về kinh tế mà còn phải đảm bảo được sự bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Quan điểm trên đã được nêu rất rõ trong “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.

Theo đó, "tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh". Điều này cũng phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)...

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, “chuyển đổi kép” đang là con đường phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó. Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ KH&ĐT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số vào quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong các chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững.

Về phía DN, buộc phải có sự thay đổi và thích ứng với chuyển đổi số “xanh”. Trong giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu với thế giới như hiện nay thì buộc phải tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Phải vượt qua được những thách thức lớn này thì các DN Việt Nam mới được thị trường quốc tế chấp nhận, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Nói về lợi ích của chuyển đổi số “xanh”, ông Nguyễn Tiến Huy, chuyên gia của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, sẽ mang lại các giá trị cụ thể cho DN, đặc biệt là về mặt kinh tế.

Đơn cử như việc in hóa đơn tại DN, nếu chuyển sang hóa đơn điện tử sẽ giúp giảm một khoản chi phí đang kể cho giấy in. Đồng thời, việc này cũng gián tiếp giảm tiêu thụ gỗ do ½ sản lượng khai thác gỗ được sử dụng trong công nghiệp giấy và giảm phác thải C02, chi phí vận tải, sử dụng nhiên liệu.

“Bên cạnh bài toán kinh tế và tác động môi trường, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi DN Việt phải tập trung vào các chỉ số môi trường và xã hội trong từng sản phẩm. Đồng thời đáp ứng sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng khi ngày càng ưa chuộng sử dụng sản phẩm hàng hóa xanh hơn. Do vậy, DN buộc phải hoạch định chính sách “chuyển đổi kép” để phát triển kinh doanh bền vững và mang lại giá trị cho DN”- ông Nguyễn Tiến Huy chia sẻ.

5G là chìa khóa

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về chuyển đổi số “xanh” tại DN, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen Urs Kloeti cho rằng, không chỉ riêng với cơ sở tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, Nestlé luôn tìm kiếm cơ hội trong các xu hướng phát triển của công nghệ nhằm giúp tiết kiệm và có cơ hội tăng trưởng.

Trong đó, chuyển đổi số “xanh” đã mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho Nestlé Bông Sen. Có thể kể đến như: Giảm 60% thời gian tạm dừng sản xuất, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hóa các cảm biến thông minh và các dữ liệu đã được số hóa; Giảm 50% lượng giấy tiêu thụ trong nhà máy bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng số hóa trong hoạt động; Giảm 20% chi phí bảo dưỡng thông qua các cảm biến dự báo và nhờ vào các kỹ thuật viên và cán bộ điều hành tay nghề cao.

Không chỉ vậy, việc áp dụng số hóa vào hoạt động của nhà máy cũng đã tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Hiện nay, số lượng sử dụng giấy in đã tiết kiệm 1/2 so với trước đây. Đồng thời năng lượng điện tiêu thụ hằng năm cũng tiết kiệm được lên đến 10 triệu kWh cũng như mức giảm phát thải CO2 đạt 38.000 tấn/năm, ông Urs Kloeti chia sẻ.

Còn theo Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar Denis Brunetti thì 5G sẽ là chìa khóa cho chuyển đổi số “xanh” của Việt Nam. Việc thương mại hóa 5G sẽ mang lại lợi ích gấp ba lần cho Việt Nam cả về xã hội, kinh tế cũng như cải thiện môi trường. Cần lưu ý, chỉ riêng việc tiêu thụ ít năng lượng hơn so với 4G, công nghệ 5G sẽ cho phép các ngành công nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số và giảm yêu cầu năng lượng cũng như lượng carbon thải ra.

Với tốc độ cao, an toàn, độ trễ siêu thấp… 5G đang mở ra cơ hội tự động hóa trong tất cả các ngành nghề, từ sản xuất, nông nghiệp, y tế cho đến năng lượng, tài chính, giáo dục… Đây cũng là yếu tố quan trọng để giúp cho quá trình số hóa tiến tới thay thế hàng loạt các tác vụ mà con người quen thực hiện theo phương thức thông thường trước đây. Từ đó giúp số hóa nhanh chóng nền kinh tế cũng như xã hội, kiến tạo phát triển bền vững cho Việt Nam.

 

Việc Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu phát thải carbon net zero vào năm 2050, với 75% năng lượng dự kiến đến từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2045, là rất tham vọng nhưng hoàn toàn có thể đạt được. Việc kết hợp giữa 5G và các nhà cung cấp năng lượng tương tự như giữa Ericsson và Tập đoàn Điện lực (EVN) sẽ là giải pháp cần thiết giúp tích hợp liền mạch các nguồn năng lượng tái tạo, từ đó cải thiện đáng kể các tác hại xấu cho môi trường.
Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar
Denis Brunetti