Chuyển đổi số yêu cầu "cấp thiết" đối với nông nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/12, tại diễn đàn Mekong Startut lần thứ nhất năm 2022 tổ chức tại Đồng Tháp, đã diễn ra các phiên thảo luận liên quan đến chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đối với chuỗi lúa gạo, thủy sản và trái cây khu vực ĐBSCL.

Phiên thảo luận đã thu hút lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, các sở ban, ngành, doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu ngành nông nghiệp góp ý để "phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp".

Cần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Tại phiên thảo luận chuyển đổi chuỗi lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT chỉ ra những thách thức của ngành nông nghiệp như biến đổi khí hậu, chi phí đầu vào cao, đến quy trình canh tác cũ và chưa tận dụng hết các phụ phẩm của ngành để phát triển.

Sản phẩm lúa gạo ĐBSCL đóng góp hơn 90 sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. ảnh Hữu Tuấn
Sản phẩm lúa gạo ĐBSCL đóng góp hơn 90 sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. ảnh Hữu Tuấn

Theo thống kê, ngành hàng lúa gạo ĐBSCL đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo trong nhóm dẫn đầu của thế giới; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và ổn định cuộc sống cho 65% dân cư nông thôn của vùng.

Tuy nhiên, chuỗi Lúa gạo ở ĐBSCL sẽ chuyển đổi thế nào để hướng tới nền Nông nghiệp hiện đại bền vững phát thải thấp vẫn là bài toàn yêu cầu các cơ quan, quản lý nhà nước cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải có định hướng chiến lược để phát triển hiệu quả nhất.

Trong khi đó, ngành nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực ĐBSCL phát triển mạnh, sản lượng và giá trị lớn nhất cả nước chiếm khoảng 65%, trong đó cá tra đóng góp khoảng 98% và tôm đóng góp khoảng 63% là hai sản phẩm chủ lực của vùng.

Ngành nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực ĐBSCL chiếm 65% của cả nước. Ảnh Hữu Tuấn
Ngành nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực ĐBSCL chiếm 65% của cả nước. Ảnh Hữu Tuấn

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2045, định hướng phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Trong đó trọng tâm hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng.

Nhưng ngành nuôi trồng thuỷ sản trong cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, gia tăng lượng phát thải và ô nhiễm môi trường. Yêu cầu chuyển đổi theo hướng nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững đề tạo bứt phá cho kinh tế vùng ĐBSCL.

Đối với ngành hàng trái cây, năm 2022, sản lượng đạt trên 4 triệu, nhiều loại trái cây ĐBSCL đã có mặt ở khắp thế giới, với các thị trường như: Châu Âu Bắc Mỹ Nga, Nhật. Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, trong tháng 12/2022, sản lượng 12 loại cây ăn trái chủ lực tại vùng ÐBSCL gồm: thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, quýt, khóm, sầu riêng, nhãn, chôm chôm và mãng cầu ước đạt hơn 360.000 tấn.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và PTTT Nông sản, Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh, ngành trái cây của khu vực ĐBSCL đang ngày càng thể hiện được vị trí và vai trò chủ lực đối với ngành nông nghiệp nhưng những giá trị đầu ra vẫn còn hạn chế và bị động.

Đẩy mạnh liên kết nâng cao giá trị

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI cho biết, việc nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo chống chịu biến đổi khí hậu, phát thải thấp và những bài toán đổi mới sáng tạo cần đặt ra. Trong đó, xác định chiến lược phát triển chuỗi giá trị phù hợp; nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp cho từng vùng.

Đặc biệt, cần chú trọng nhân rộng các mô hình tích hợp lúa hiện đại và phát thải thấp giữa doanh nghiệp và nông dân; Phát triển đồng bộ công nghệ và thiết bị nằm trong chuỗi giá trị phù hợp cho điều kiện sản xuất ở Việt Nam; Thiết lập và điều phối diễn đàn trao đổi kiến thức bao gồm các chuyên gia đầu ngành, các tổ chức nông nghiệp quốc tế và trong nước, và liên minh học tập giữa các nước về sản xuất lúa gạo bền vững; Cập nhật các khung chính sách quốc gia thông qua minh chứng khoa học và thực tiễn, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Năm 2022, sản lượng đạt trên 4 triệu, nhiều loại trái cây ĐBSCL đã có mặt ở khắp thế giới. Ảnh PV
Năm 2022, sản lượng đạt trên 4 triệu, nhiều loại trái cây ĐBSCL đã có mặt ở khắp thế giới. Ảnh PV

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ Cao Trung khẳng định, đòi hỏi ngành hàng lúa gạo phải thực hiện cho được những bước hạ tầng ban đầu, bao gồm: đất trồng lúa, nước tưới tiêu, giống lúa, phân bón, thuốc BVTV, máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, quy trình canh tác trồng lúa để đạt tiêu chuẩncho gạo; đầu ra cho lúa hàng hóa, rồi dự trữ bảo quản sau thu hoạch, đến chế biến tiêu thụ của doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tham quan các gian hàng tại lễ triển lãm. Ảnh PV
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tham quan các gian hàng tại lễ triển lãm. Ảnh PV

"Thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đầu tư xây dựng cánh đồng lớn liên kết theo từng dự án được UBND tỉnh, thành vùng ĐBSCL phê duyệt, theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT và Nghị định 98/2018 của Chính phủ đã quy định, trên tinh thần tự nguyện" ông Nguyễn Trung An nhấn mạnh.

Ông Ngô Tiến Chương – Chuyên gia kỹ thuật cấp cao, Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức khẳng định, muốn tăng trưởng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là cần tạo cơ chế, chính sách cho kinh tế tư nhân, vốn quốc tế tham gia vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích phát triển công nghệ, kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu các chất gây hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải ra môi trường, nâng cao nhận thức và năng lực; Gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc quốc gia Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam cho rằng, cần nâng cao nhận thức về trở ngại và những tiềm năng để phát triển xuất khẩu. Qua đó, xây dựng SOPs làm lộ trình hướng dẫn để sản xuất và giao trái cây có thể đáp ứng yêu cầu thị trường bán lẻ hiện đại, kiểm soát dịch bệnh sau thu hoạch một cách hiệu quả, dùng công nghệ để giới thiệu sản phẩm tăng khả năng tiếp cận.

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit khẳng định, khai thác điểm mạnh hạn chế điểm yếu, tạo cơ hội phát triển, đương đầu với thách thức thì mới đưa ngành trái cây vươn xa. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng chiến lược về khoa học kỹ thuật, sản phẩm, thị trường, liên kết thì trái ngành trái cây ĐBSCL mới vươn xa và có chỗ đứng trên thị trường.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần phải nhanh chóng chuyển đổi số nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì mới đưa ngành nông nghiệp ĐBSCL mới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên, mới tạo nên dấu ấn riêng.