Chuyển đổi xanh nửa vời
Mới đây, một đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện tại TP Hồ Chí Minh của một viện nghiên cứu đã được thông tin cho giới truyền thông. Đề án này được hoàn thiện vào tháng 6 năm nay, sau đó sẽ tổ chức hội thảo và trình cấp có thẩm quyền thực hiện nếu được.
Cơ quan soạn thảo đề án kỳ vọng, ngay từ tháng 1/2026, tại TP Hồ Chí Minh, chuyển đổi tối thiểu 80% số phương tiện của tài xế công nghệ và giao hàng sử dụng xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện trong 2 năm, đạt tỷ lệ 100% trong 3 năm.
Theo ước tính sơ bộ của viện này, số lượng xe máy chạy dịch vụ vận chuyển hành khách và giao hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện khoảng 400.000 xe. Giải pháp chuyển đổi là tài xế công nghệ được mua xe điện trả góp. Việc chuyển đổi được cho là có nhiều cái lợi. Trước hết, đó là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cả về khói bụi lẫn tiếng ồn. Tài xế xe công nghệ cũng sẽ giảm được bớt chi phí khi không mất tiền đổ xăng; tiền sạc điện chỉ khoảng 300.000 đồng/xe/tháng. Những người đang dùng xe máy quá cũ cũng nhân cơ hội này để đổi xe vì đến 2027 cũng phải kiểm định xe về khí thải…
Những người làm đề án còn nghĩ xa hơn, sau khi chuyển đổi xe máy ở TP Hồ Chí Minh, sẽ áp dụng cho Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế vào tháng 1/2028.
“Xanh hóa” phương tiện giao thông là điều ai cũng mong muốn, xe máy điện đương nhiên không gây ô nhiễm như xe máy xăng.
Tuy nhiên, giao thông đô thị không chỉ có vấn đề giải quyết là ô nhiễm và tiếng ồn, bên cạnh đó là vấn nạn khủng khiếp hơn: ùn tắc giao thông. Các đô thị lớn cần giải quyết cùng lúc hai vấn đề: ô nhiễm và ùn tắc. Như vậy, ngoài việc chuyển đổi phương tiện xanh, cần phải phát triển hệ thống giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân, nhất là vùng nội đô. Nhưng xe máy máy điện là phương tiện cá nhân.
Điều đáng suy nghĩ nữa, nói về phương tiện xanh, sự so sánh xe điện và xe xăng cũng nên xem xét hết toàn bộ vòng đời của nó. Xe điện khi lưu hành sẽ giảm thiểu ô nhiễm, nhưng quá trình sản xuất pin thì lại cực kỳ gây ô nhiễm và nếu pin hết hạn sử dụng, xử lý và tái chế nó là rất khó khăn. Rất có thể, chúng ta lại phải nhận cả núi pin cũ, chì và các thứ trong nó sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước nghiêm trọng.
Vậy chỉ nói riêng xe hai bánh, xe đạp mới “xanh” hơn cả, từ khâu chế tạo đến thu hồi, loại bỏ và tái sử dụng. Xe đạp mới là phương tiện nên ưu tiên sử dụng bên cạnh phương tiện công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị… Các đô thị lớn, văn minh trên thế giới cũng ưu tiên dùng xe đạp.
Cuối cùng điều muốn nói: đã đến lúc cần hạn chế việc giao hàng bằng phương tiện cá nhân nhỏ lẻ như xe hai bánh, như hạn chế các phương tiện cá nhân vào nội đô.
Việc chuyển đổi xanh cần triệt để hơn, không “nuông chiều” xe máy điện, cũng là phương tiện cá nhân và về bản chất không được xanh lắm.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trong “cuộc chơi” chuyển đổi xanh toàn cầu
Kinhtedothi – Các doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với nhiều áp lực thách thức về tiêu chuẩn xanh, bền vững từ những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản. Do đó, sự sẵn sàng ứng phó của DN Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn toàn cầu là đòi hỏi cấp thiết.

Thành phố Hải Phòng tiên phong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Kinhtedothi - Ngày 31/3, tại thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải), UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Thành phố Hải Phòng tiên phong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững”.

Những giải pháp tài chính - công nghệ góp phần thúc đẩy hành trình chuyển đổi xanh
Kinhtedothi- Ngày 21/4/2025, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Công ty cổ phần FPT đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Hành trình chuyển đổi xanh và các giải pháp tài chính - công nghệ".