Ngày 14/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc. Tại đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chỉ ra 6 nguyên nhân gây kháng thuốc tại Việt Nam gồm: Kê đơn và cấp phát kháng sinh (KS) không hợp lý như kê đơn KS với liều quá thấp hoặc quá cao, không kê đơn theo kết quả vi sinh, tiếp tục điều trị lâu hơn cần thiết; bệnh nhân sử dụng KS không kê theo đơn hoặc không đủ liệu trình; sử dụng KS quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải nhựa chưa thích hợp; thiếu các KS mới được sáng chế.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ ra, nguyên nhân hàng đầu gây kháng thuốc kháng sinh đến từ tình trạng mua, bán kháng sinh không theo đơn. "Người dân chỉ tới nhà thuốc, nhớ mang máng, đọc vài chữ thì người bán sẽ giới thiệu nhiều loại thuốc khác nhau, có thể mua được thuốc kháng sinh dễ dàng mà không cần có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc bừa bãi, mua thuốc không theo đơn sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, gây hại cho người mua và cả cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại vi khuẩn kháng đa kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc lan rộng từ nước này sang nước khác" - ông Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện giám sát kháng kháng sinh tại bệnh viện còn gặp khó khăn cũng làm tăng tình trạng lây lan vi khuẩn kháng thuốc. PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, ông đã gặp nhiều bệnh nhân lớn tuổi bị gãy xương đùi rồi tử vong do nhiễm trùng tại bệnh viện mà không có thuốc chữa. Nhiều bác sĩ cũng tâm sự về tâm trạng bất lực khi phải nhìn bệnh nhân của mình chết dần vì kháng kháng sinh. Như vậy, kháng kháng sinh đang trở thành thách thức rất lớn đối với các thầy thuốc không chỉ tại Việt Nam và trên thế giới.
Để khắc phục tình trạng kháng kháng sinh, GS.TS Nguyễn Viết Tiến chỉ ra, điều quan trọng nhất cần làm trước mắt đó là nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc hiệu quả cho chính bản thân và cộng đồng, về việc cần thiết phải mua thuốc theo đơn và có chỉ dẫn của bác sĩ, nhận thức về thuốc kháng sinh và kháng kháng sinh nguy hiểm với cộng đồng như thế nào. Đồng thời nhân cao trách nhiệm của những người được quyền sử dụng thuốc bao gồm bác sĩ, dược sĩ để kiểm soát chặt vấn đề kê đơn, bán thuốc. Cuối cùng là nâng cao chất lượng của trung tâm chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện để đảm bảo môi trường an toàn cho bệnh nhân tới điều trị.