Chuyên gia đánh giá, Việt Nam có thể không cần điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, và thống nhất với 2 kịch bản tăng trưởng được Bộ KH&ĐT xây dựng (tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2). Các chuyên gia nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP mức 6 - 6,5% rất thách thức song có thể đạt được.

GDP 6 tháng là con số ấn tượng

Bộ KH&ĐT cho biết, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của các tổ chức quốc tế vẫn lạc quan; cơ hội và dư địa tăng trưởng kinh tế còn lớn đến từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII mới được thông qua, tạo khí thế mới, động lực mới.

 Ảnh minh hoạ

Theo đó, kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng theo hướng tập trung kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ, duy trì sản xuất kinh doanh trong quý III/2021. Từ đó, tạo nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng trong quý IV/2021 do nhu cầu thường tăng cao vào thời điểm cuối năm. Bộ đã đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản 1 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm;  quý IV tăng 6,5%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm.

Kịch bản 2, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7%, cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm và quý IV tăng 7,5%, cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, theo Bộ KH&ĐT các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện 9 nội dung. Cụ thể là, phòng, chống dịch bệnh; định hướng điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế; tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; giải ngân vốn đầu tư công; đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết; chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai, lũ lụt; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch…

Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Lê Trung Hiếu thông tin, với mức tăng vừa qua, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 6% của năm nay, nền kinh tế cần phải tăng trưởng ở mức 6,3% trong nửa cuối năm. "Mục tiêu 6% là một thách thức, nhưng Việt Nam có thể thực hiện được, không cần phải điều chỉnh giảm mục tiêu. Chính phủ hiện đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm thúc đẩy trăng trưởng trong 6 tháng cuối năm".

Về kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm, Bloomberg đánh giá đây là con số ấn tượng ngay cả khi đất nước đang trải qua đợt bùng phát đại dịch tồi tệ nhất mới đây, khiến hàng loạt các khu sản xuất chính phải tạm thời đóng cửa. Ngân hàng Standard Chartered cũng cho biết, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ. 

Dù vậy theo ông Gareth Leather - chuyên gia kinh tế châu Á cao cấp tại Capital Economics nhận định: "Mức tăng trưởng nhảy vọt so với cùng kỳ năm ngoái do cơ sở so sánh yếu. Ngoài ra, dữ liệu GDP cho thấy Việt Nam hiện đang đối mặt với những thiệt hại nặng nề do nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Với những đợt bùng phát lẻ tẻ có thể tiếp tục xảy ra, nền kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn trong vài tháng tới”.

Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh có thể làm gia tăng lạm phát, giá cả thực phẩm trên thế giới gia tăng cũng đang gây ra ảnh hưởng lên lạm phát trong nước. Dự báo lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức 3,8%.

Các địa phương quyết tâm vượt “bão” Covid -19

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nền kinh tế vẫn còn những rủi ro, thách thức đến từ các biến chủng mới của dịch Covid; lạm phát, giá cả có khả năng tăng cao đến hết năm 2021; nợ công và nợ doanh nghiệp gia tăng tại một số nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng chính trị, thương mại giữa các quốc gia lớn. Cùng với đó, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ đe dọa trực tiếp tới sản xuất công nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng; mùa du lịch đã qua tháng 6 trong khi mùa mưa bão đã đến...

“Nhiệm vụ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là rất thách thức, đòi hỏi vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong 6 tháng cuối năm, hàng loạt các địa phương đều quyết tâm xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế vượt “bão” Covid-19. Tại TP Hồ Chí Minh, dù bị tác động nặng bởi dịch Covid-19, GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,46%. Trong đó, một số nhóm, lĩnh vực vẫn tăng khả quan. Trong khi Đà Nẵng thoát tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm đạt 4,9%. Cần Thơ (5,6%), trong khi Hải Phòng (13,5%). Hà Nội 5,91% cao hơn 6 tháng đầu năm 2020 (3,39%) và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 7 - 7,5%. Giải pháp Hà Nội đặt ra để tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2021 là: Tiếp tục triển khai nhiệm vụ phòng, chống Covid-19. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chú trọng phát triển các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, tăng trưởng tốt như công nghiệp chế biến, chế tạo, tiêu dùng và tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao, trong giai đoạn tới, tỉnh tập trung ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông gắn với phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đây là  bước đột phá quan trọng, tạo nền tảng hướng đến mục tiêu tăng trưởng 2021 và những năm tiếp theo GRDP Bình Dương tăng bình quân từ 8,5 - 8,7%/năm.

Kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian tới, Chính phủ sẽ bàn chuyên đề riêng về huy động các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy hợp tác công tư trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược; tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong giải ngân vốn ODA. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế, nhất là liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách.