Chuyên gia đào tạo lý giải lý do ngành du lịch đang “lao đao” nhưng tuyển sinh vẫn “hot”

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Gần hai năm nay, ngành du lịch toàn cầu trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi dịch bệnh Covid-19 càn quét hầu khắp các châu lục. Thế nhưng, có một thực tế là các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành du lịch, nhất là cơ sở thuộc phía Bắc vẫn “đắt” thí sinh; điểm đầu vào của ngành du lịch trong mùa tuyển sinh năm 2021 vẫn cao và có trường “nói không” với tuyển bổ sung.

Ngành du lịch khủng hoảng trầm trọng
Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), tính đến cuối năm 2019 có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát liên tiếp khiến xu hướng nghỉ việc trong ngành này tăng cao và dịch chuyển sang các ngành nghề khác.
Kết quả khảo sát tháng 5/2021 của TAB cho thấy: 18% doanh nghiệp du lịch đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc, 75% doanh nghiệp có hình thức hỗ trợ tài chính khác đối với số người lao động bị mất việc.
Con số thống kê của Sở Du lịch Hà Nội thể hiện thực trạng ảm đạm hơn. Tính đến cuối tháng 9/2021, tại Hà Nội có trên 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng sụt giảm, công suất xe lưu hành trung bình dưới 10% và không hoạt động trong thời gian giãn cách. Các điểm đến di tích, văn hóa phải đóng cửa, các điểm du lịch vui chơi, giải trí đang tạm dừng hoạt động.

 Du lịch trong nước và quốc tế đều bị sụt giảm trong hai năm gần đây
Còn theo ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên (HDV) du lịch thì dịch Covid-19 đã “nhấn chìm” hoàn toàn du lịch quốc tế nên 90% số HDV phân khúc thị trường này “thất nghiệp”. HDV nội địa cũng nghỉ việc, chuyển nghề với số lượng lớn để kiếm kế sinh nhai, duy trì cuộc sống.
Diễn biến dịch bệnh Covid- 19 phức tạp và khó lường dẫn đến hệ quả tất yếu là số sinh viên học chuyên ngành du lịch ra trường năm 2020, 2021 có xu hướng làm việc trái ngành. Nhân lực đã và đang hoạt động trong ngành du lịch cũng bị “chảy máu” phần lớn trong đại dịch.
Đứng trước sự khủng hoảng trầm trọng của ngành du lịch trong gần 2 năm qua, sau 4 lần “càn quét” của dịch Covid- 19, những tưởng ngành dịch vụ, du lịch, khách sạn sẽ “ế”, ít thí sinh dám… ngó ngàng nhưng ngược lại, số thí sinh đăng ký nguyện vọng, đặc biệt nguyện vọng 1 vào ngành du lịch vấn rất đông, đứng vị trí thứ 4 trong tốp 15 khối ngành “hot” trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2021.
Niềm tin của thí sinh là có cơ sở
Chia sẻ về mùa tuyển sinh năm nay, TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch (trường ĐH Thủ đô Hà Nội) cho biết: “Quả thực, trước kỳ tuyển sinh, chúng tôi khá lo lắng bởi tình hình du lịch trong nước và quốc tế đang bất ổn do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhưng sau đó, căn cứ số liệu thí sinh đăng ký, dữ liệu điểm chuẩn, chúng tôi nhẹ lòng và năm nay, khoa Văn hóa - Du lịch đã có một mùa tuyển sinh thành công, điểm đầu vào tăng 3 điểm so với năm trước”.
 Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh- trước khi dịch Covid- 19 bùng phát trở lại
Năm 2021, khoa Văn hóa - Du lịch (ĐH Thủ đô Hà Nội) tuyển 347 chỉ tiêu (bằng 110% so với năm trước), không tuyển bổ sung; trong đó ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tuyển 300 chỉ tiêu; ngành Việt Nam học (định hướng thuyết minh tại điểm) tuyển 47 chỉ tiêu.
Theo TS Lê Thị Thu Hương, có 2 lý do dẫn đến thành công trong công tác tuyển sinh ngành Văn hóa- Du lịch giữa giai đoạn dịch bệnh. Thứ nhất, thực tế nguồn nhân lực cho ngành du lịch đang thực sự thiếu và vấn đề “khủng hoảng” chỉ là tạm thời. Với chính sách tích cực của các nước và Việt Nam trong việc tiêm vaccine toàn dân; hộ chiếu vaccine; sự quan tâm của chính phủ Việt Nam khi có nhiều chính sách cho ngành du lịch, nhân lực du lịch được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… Vì thế, thí sinh học chuyên ngành du lịch vẫn có niềm tin vào nhu cầu lao động và cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Thứ hai, ngành Văn hóa - Du lịch của ĐH Thủ đô Hà Nội có định hướng đào tạo sát với nhu cầu xã hội với tính ứng dụng cao, tăng thời lượng thực hành từ năm nhất nên sinh viên năm ba, năm tư đã có việc làm hoặc đi làm thêm. Các thầy cô trong khoa chủ yếu dạy lý thuyết; trường liên kết đào tạo nghề với các doanh nghiệp lữ hành, mời nhiều chuyên gia về đào tạo thực hành nên dù ra đời muộn nhưng hướng đào tạo của trường rất "trúng" so với nhu cầu người học và nhu cầu xã hội. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19, với hình thức đào tạo linh hoạt, sinh viên được học đủ các kỹ năng mà vẫn đảm bảo giãn cách phòng chống dịch. Thêm nữa, các em tốt nghiệp các khóa trước ra trường đều có việc làm…; đó là những điểm “hút” của ngành du lịch”, TS Lê Thị Thu Hương cho biết.
 Du lịch được dự báo vẫn là ngành của tương lai
Bày tỏ ý kiến về việc sinh viên hiện có xu hướng chọn ngành rất thực tế nhưng vẫn "đổ" vào đăng ký học du lịch- ngành đầu bảng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19, PGS. TS Phạm Hồng Long- Trưởng khoa Du lịch (trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Năm nay ngành du lịch của trường tăng 1-1,5 điểm so với năm trước; tương đương điểm chuẩn trung bình khoảng 9 điểm/môn và không tuyển bổ sung. Thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành du lịch đông vì các em có quá trình đào tạo 4 năm mà theo phân tích của tổ chức Du lịch thế giới, dịch bệnh Covid- 19 nhanh thì 2,5 năm, chậm thì 4 năm sẽ được khống chế; tức khoảng từ năm 2022 đến 2024, dịch cơ bản được đẩy lùi. Bên cạnh đó, các nước trên thế giới đều phủ vaccine diện rộng nên hoạt động du lịch sẽ được khởi động trở lại trong thời gian tới. Do vậy, khi lứa thí sinh năm nay ra trường thì dịch Covid- 19 đã được khống chế nên cơ hội việc làm cho các em là rất khả quan.
“Bên cạnh đó, nhân lực ngành du lịch trước đại dịch đã thiếu; sau đại dịch càng thiếu hơn do 2 năm qua, nhiều nhân lực du lịch chuyển đổi ngành. Điều này càng tạo cơ hội việc làm cho sinh viên vừa vào học, đang học và sắp ra trường. Nhu cầu việc làm cho sinh viên ngành du lịch thời gian tới chắc chắn sẽ sáng sủa và nhiều triển vọng”- PGS.TS Phạm Hồng Long dự báo.
Theo nhận định chung của nhiều chuyên gia, “công nghiệp không khói” vẫn là ngành của tương lai. Theo quy luật và xu hướng tất yếu, ngành du lịch sẽ bật lò xo thì khi đại dịch Covid- 19 qua đi. Niềm tin vào sự khởi sắc, sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành du lịch là động lực, là cơ sở để các thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành du lịch trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2021.