Chuyên gia dự báo hệ quả tồi tệ từ thảm họa động đất ở Trung Á

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các nhà khoa học, dư chấn của trận động đất chết chóc ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria còn kéo dài trong vài tuần, thậm chí vài tháng tới.

Một người đàn ông thất thần trước đống đổ nát sau thảm họa động đất ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2. Ảnh: REUTERS
Một người đàn ông thất thần trước đống đổ nát sau thảm họa động đất ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2. Ảnh: REUTERS

Khó khăn trong công tác cứu hộ

Trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2, được cảm nhận cả ở Lebanon và Israel, có cùng cường độ 7,8 độ richter như trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1939.

Dữ liệu ban đầu cho thấy trận động đất có chiều dài đứt gãy hơn 300km. "Trên một chiều dài 300km, các ngôi làng và thị trấn bị phá hủy, nền kinh tế bị ảnh hưởng, cơ sở hạ tầng khí đốt, điện, nước - sẽ bị gián đoạn" - Giáo sư Paul Martin Mai, tại Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (Ả Rập Saudi) nói với CNA.

Ông nhấn mạnh: "Tác động đối với dân số và nền kinh tế địa phương sẽ rất lớn vì trận động đất đã ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn".

Đặc biệt, trận động đất này vượt quá cường độ của trận động đất năm 1999 gần Istanbul, Israel, từng khiến hơn 15.000 người thiệt mạng. Trận động đất hôm 6/2 đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người trong vòng chưa đầy 24 giờ.

Trận động đất, cùng với một trận nhỏ hơn, đã quét sạch các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có hàng triệu người đang chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Syria và các cuộc xung đột khác.

Giáo sư Martin nói rằng thời gian tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất thường kéo dài 72 giờ. "Chúng ta phải tập trung nỗ lực trong 24 đến 72 giờ tới. Sau đó, khả năng sống sót là rất thấp" - ông nói. Công tác cứu hộ càng khó khăn hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ đang vào giữa mùa Đông và có tuyết rơi.

"Nhiều người đã mất sạch nhà cửa và phải ở ngoài trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên rất cần các hoạt động viện trợ quốc tế để kịp thời cung cấp chỗ ở, nước sạch, thực phẩm và đồ tiếp tế" - ông Martin nói.

Hàng viện trợ tại một căn cứ không quân gần Sân bay Quốc tế Baghdad ở Iraq ngày 6/2 sẽ được gửi tới Syria hỗ trợ nạn nhân động đất. Ảnh: REUTERS
Hàng viện trợ tại một căn cứ không quân gần Sân bay Quốc tế Baghdad ở Iraq ngày 6/2 sẽ được gửi tới Syria hỗ trợ nạn nhân động đất. Ảnh: REUTERS

Sẽ có thêm dư chấn?

Tiến sĩ Januka Attanayake từ Trường Khoa học Trái đất tại Đại học Melbourne (Australia) cảnh báo, nhiều dư chấn - những trận động đất nhỏ hơn sau chấn động chính của một trận động đất lớn - có thể diễn ra trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng tới.

Ông cho biết, các dư chấn có thể khiến nhiều người thiệt mạng hơn, đồng thời lưu ý rằng các công trình xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ thường "không đạt chuẩn" chịu lực đối với động đất.

"Nếu là ở Nhật Bản, các tiêu chuẩn xây dựng cực kỳ chặt chẽ và họ xây dựng theo đúng những tiêu chuẩn xây dựng đó. Nhưng ở Thổ Nhĩ Kỳ thì không như vậy" - nhà nghiên cứu có chuyên môn về địa chấn động đất nói với CNA.

Cũng theo Tiến sĩ Attanayake, mặc dù "rất khó" để dự đoán cường độ của những dư chấn sắp tới, dựa trên dư chấn đầu tiên có cường độ 6,7 độ, thì chúng có thể mạnh khoảng 6 độ.

"Trường hợp xấu nhất sẽ là một cơn dư chấn khác ở mức 6 độ, bởi vì các tòa nhà đã bị hư hại nặng. Chúng tôi tự hỏi liệu những tòa nhà bị hư hại này có thể chịu được một cơn dư chấn cường độ cao khác hay không" - ông nói, nhấn mạnh rằng tình hình đó sẽ cản trở giải cứu, khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.

Tại một lều trú ẩn sau động đất ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2. Ảnh: REUTERS
Tại một lều trú ẩn sau động đất ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2. Ảnh: REUTERS

Động đất luôn khó lường

Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên Mảng Anatolian, giáp với hai đứt gãy lớn. Đứt gãy Bắc Anatolian đi qua đất nước từ Tây sang Đông, và đứt gãy Đông Anatolia nằm ở khu vực Đông Nam của đất nước.

Tiến sĩ Attanayake cho biết, các trận động đất khác xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hầu hết nằm ở đường đứt gãy Bắc Anatolian, nên các nhà chức trách tiên liệu ​​sẽ có một "trận động đất gây thiệt hại" ở khu vực đó. Tuy nhiên, thảm họa hôm 6/2 đã xảy ra trên đường đứt gãy Đông Anatolian, nơi mà ông tin rằng ít được chú ý hơn.

Từ đó, các chuyên gia nhấn mạnh rằng dự báo các trận động đất là rất khó, nếu không muốn nói là "không thể" dự báo được.

"Chúng tôi chỉ có thể dự báo xác suất xảy ra động đất trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường, khoảng thời gian đó kéo dài hàng thập kỷ" - Tiến sĩ Attanayake nói, dẫn ví dụ về California (Mỹ), khi một số xác suất nhất định đã được thiết lập cho khu vực nhạy cảm này là trong khoảng thời gian 3 thập kỷ.

Giáo sư Martin cũng nói rằng việc dự đoán chính xác ngày, giờ và cường độ của một trận động đất là không thể, do đó các quốc gia cần chuẩn bị tốt hơn.

"Ngày nay chúng ta có rất nhiều vùng dữ liệu. Vì vậy, tôi hy vọng rằng trận động đất này giờ đây sẽ được nghiên cứu, không chỉ bởi nhóm của tôi mà còn bởi nhiều người khác trên toàn cầu để thực sự hiểu điều gì đã xảy ra trong thảm họa này. Nó sẽ không giúp chúng ta có thể dự đoán động đất tốt hơn, mà là chuẩn bị tốt hơn để đối phó" - ông Martin nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần