Chuyên gia hiến kế 5 giải pháp chống dịch Covid-19 hiện nay

Nhật Nguyên (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng đại diện diện cho nhóm các chuyên gia, nhà khoa học đã có những nhận định về tình hình dịch Covid-19 cũng như đưa ra các giải pháp chống dịch trong tình hình mới.

Thứ nhất, theo TS Trần Tuấn, dịch đang lưu hành là dạng nội sinh cộng đồng. Ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước hiện nay, trong cộng đồng đều đã có người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không có biểu hiện triệu chứng.
Vì thế, chiến lược xét nghiệm diện rộng tìm F0 cách li điều trị, truy vết tìm F1, F2 cách ly xét nghiêm theo dõi, không còn phù hợp nữa. Chiến lược đó chỉ phát huy tác dụng tốt với dịch ở dạng “ngoại xâm”, từ bên ngoài xâm nhập vào khi cộng đồng hoàn toàn chưa có nguồn nhiễm tồn tại. “Tôi lưu ý đây là điểm căn bản nhất trong nhận định chiến lược làm cơ sở cho xây dựng phương án chống dịch và kiểm soát dịch” – TS Trần Tuấn nhấn mạnh.
 Lực lượng y tế lấy mẫu sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân tại TP Hồ Chí Minh.
Thứ hai, các số liệu thống kê có được của các tỉnh và Bộ Y tế, từ cả nguồn thống kê theo dõi dịch bệnh xảy ra hàng ngày có đưa trên trang web của Bộ, và nguồn nghiên cứu mà chỉ riêng chính phủ được biết (được phản ánh qua chính sách chống dịch đưa ra), cho thấy dịch đang bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh và lan rộng ra các tỉnh. Tuy nhiên, các số liệu có được chưa phản ánh chính xác 3 thông số cơ bản dịch tễ học đang cần tìm để đánh giá thực chất diễn biến dịch ra sao nhằm tiên lượng cho thời gian tới. Đó là: (1) chỉ số lây nhiễm R0 (khả năng lây nhiễm của virus trong hoàn cảnh hiện nay ở nước ta), (2) tốc độ nhân đôi số người nhiễm theo thời gian, và (3) tỷ lệ đã có miễn dịch trong cộng đồng (đo lường bằng test kháng thể).
Tuy vậy, dựa trên kết quả nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu, nơi có năng lực nghiên cứu dịch tễ học tốt và đáng tin cậy, TS Trần Tuấn nhận định: Với dịch ở TP Hồ Chí Minh đến thời điểm này, R0 ước tính đi từ 3-5 (tức một người F0 gây nhiễm cho 3-5 người khác). Thời gian nhân đôi số người nhiễm có trong cộng đồng ở vào khoảng một tuần. Tỷ lệ có miễn dịch (kể cả tự nhiên và được tiêm vaccine, vào khoảng 30%. Như thế, chiều hướng dịch tiếp tục gia tăng nhanh trong những tuần tới! Chúng ta phải gấp rút phổ cập vaccine toàn dân mũi 1, và đủ 2 mũi cho những đối tượng ưu tiên, đặc biệt người già, người có bệnh nền, nhân viên y tế, càng nhanh càng tốt, nếu không muốn thấy hình ảnh tái diễn của nước Ý đầu năm 2020 hoặc Ấn Độ đầu năm 2021.

Thứ ba, chưa thể nhận định chính xác được (dù mức độ chính xác chỉ là theo đơn vị tuần) là chiều hướng diễn biến bao giờ dịch lắng xuống ở TP Hồ Chí Minh. Còn với TP Hà Nội hoặc các tỉnh khác, có thể nhận định là dịch đang gia tăng và duy trì tối thiểu 2 tháng nữa, nếu chúng ta vẫn duy trì kiểu chống dịch hiện nay, chưa điều chỉnh cho phù hợp với loại hình “dịch nội sinh”. Kể cả chúng ta có tăng tốc bao phủ vaccine đạt tới một phần ba dân số trong diện tiêm được nhận đủ 2 mũi, chiều hướng chung cả nước là dịch lên đỉnh vào khoảng đầu tháng 10, duy trì mức đó rồi giảm dần vào tháng cuối năm!
 Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP Hồ Chí Minh đang tập trung điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng và rất nặng.
Trong số 3 thông số cơ bản cho nhận định dịch và tiên lượng tình hình tới đây, TS Trần Tuấn lưu ý nhất vào vấn đề phải có kết quả điều tra cộng đồng dùng test kháng thể, để xác định gần hay xa đến đâu so với ngưỡng miễn dịch cộng đồng 70 %. Thông tin này là căn bản để điều chỉnh chiến lược can thiệp trong thời gian tới, giúp nhận định khi nào có thể nhấc phong tỏa diện rộng như hiện nay.
“Tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ tạo chương trình giám sát dịch tễ theo hệ thống điểm sentinel site dùng test kháng thể kết hợp với test kháng nguyên cùng phối hợp với điều tra dịch tễ học các yếu tố nguy cơ tăng nặng dịch hoặc thuận lợi cho hạ thấp tác động bất lợi của dịch. Cần tiến hành ngay tối thiểu ở 5 điểm sentinel (1 điểm ở TP Hồ Chí Minh, 1 điểm ở Hà nội, 1 điểm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, 1 điểm ở tỉnh miền Trung, 1 ở tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng). Tất nhiên, phải với cùng phương pháp chuẩn mực khoa học và được lãnh đạo bởi người thực sự có kinh nghiệm điều tra dịch tễ học cộng đồng. Bởi đây là một nghiên cứu đa mục tiêu, làm cơ sở cho hoạch định chính sách chống dịch và phục hồi đời sống kinh tế xã hội" - TS Trần Tuấn nhấn mạnh.

Thứ tư, còn khó đánh giá dịch ở TP Hồ Chí Minh hay ở Việt Nam nói chung, mức độ ác tính đến đâu. Mức độ ác tính được đo lường bằng các tỷ lệ liên quan tới tử vong, tối thiểu có hai chỉ số: Tỷ lệ tử vong tính trên tổng số trường hơp nhiễm virus (Infection Fatality Rate- IFR), và tỷ suất chết vì Covid-19 trên tổng số nhập viện điều trị Covid-19 (Hospital Case Fatility Ratio- HCFR).
 Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 đang được tăng tốc trên toàn quốc.
Tôi đánh giá, IFR thấp cao tùy từng tỉnh. Ở Tp Hồ Chí Minh có thể cao hơn so với tỷ lệ chung của thế giới (khác nhau theo nhóm tuổi: là 1/5000 ở nhóm 20-49, tăng lên 1/200 nhóm 50-69, và cao tới 1/18 ở nhóm người già từ 70 tuổi trở lên), nhưng các tỉnh có thể dao động đáng kể. Còn tỷ suất HCFR ở TP Hồ Chí Minh có thể tăng cao hơn đáng kể so với mức chung của thế giới tính cho năm 2020 (là 2-3%) , do ảnh hưởng trực tiếp của tình trang quá tải xẩy ra với khu vực hồi sức cấp cứu, và do năng lực của hệ thống y tế cơ sở chưa phát huy tốt làm chỗ dựa cho các gia đình phát hiện kịp thời dấu hiệu chuyển suy hô hấp cần đưa đi bệnh viện điều trị.
Thứ năm, theo TS Trần Tuấn, các biện pháp phòng chống dịch những ngày gần đây đang có thay đổi theo chiều hướng thuận dần theo khuyến cáo của khoa học dịch tễ học, nhưng vẫn chưa đồng bộ, khiến vẫn thường trực gia tăng nguy cơ lây lan dịch, và xuất hiện thêm cả các tình huống đưa lại nhiều băn khoăn về chuyên môn, như “Túi thuốc an sinh” cho F0- tuy có thuận về tâm lý xã hội, nhưng dường như tiếp tục duy trì và thúc đẩy xét nghiệm rộng rãi tìm F0, quá tập trung vào “điều trị F0” khiến xã hội rơi thêm vào nguy cơ lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng trong “điều trị F0” tại nhà!
Việc áp dụng dùng kết quả xét nghiệm âm tính, xác nhận chính quyền địa phương… trong xét việc đi lại của người dân, rất cần chấm dứt càng sớm càng tốt, tránh được nhiều điểm tập trung đông người không đáng có vi phạm quy định giãn cách xã hội. Hay việc xét nghiệm rộng rãi tìm người nhiễm vào thời điểm này ở Hà Nội, không tuân thủ theo khuyến cáo khoa học dịch tễ học, hiệu quả rất thấp, tốn kém, mà lại gây tăng nguy cơ phát tán virú rộng ra, phải được bãi bỏ càng sớm càng tốt

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần