Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia mách nước chữa viêm da nổi cục cho gia súc

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Nhịp cầu nhà nông" là cơ hội để nông dân Quốc Oai tiếp cận với các nhà khoa học, từ đó vỡ ra nhiều bài học áp dụng vào thực tế sản xuất.

Ngày 29/4, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Quốc Oai tổ chức Diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã, nông dân tiêu biểu trên địa bàn.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được ban cố vấn "Nhịp cầu nhà nông" là những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp trực tiếp tư vấn, giải đáp các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…

 TS Lê Văn Năm chia sẻ cách phòng trị bệnh hiệu quả cho các loại vật nuôi tại diễn đàn

“Bí kíp” chữa bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò hiệu quả

Giải đáp câu hỏi về bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò của một số nông dân, TS Lê Văn Năm cho biết, bệnh viêm da nổi cục do virut Lumpy Skin virut gây nên. Ngoài biện pháp tiêm phòng khẩn cấp vaccine phòng bệnh (thuốc nhập khẩu từ Thổ Nhĩ kỳ do Bộ NN&PTNT cấp phép), bà con có thể tiêm vaccine đậu (dành cho dê) phòng cho trâu bò. “Bản chất của bệnh viêm da nổi cục là ung thư da nên phác đồ điều trị rất quan trọng, đặc biệt là với trâu, bò nái trong giai đoạn chửa.

Vì vậy, có thể áp dụng bài thuốc dân gian giúp giảm dần kích thước khối u và teo dần. Cụ thể: Cho trâu, bò ăn lá lốt với liều lượng 1kg/100kg chia 2 – 3 lần/ngày, dùng trong 2 – 3 tuần; tiếp đó tiêm Butamin-NT (thuốc bổ) trong 3 – 5 ngày; cuối cùng khôi phục da bằng Embrio Stimulan và Super – Vitamine 1g/1lít” – TS Lê Văn Năm tư vấn.  

Đối với gà đẻ trứng, TS Lê Văn Năm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc Thú y Việt Nam khuyến cáo, người chăn nuôi cần tiêm 4 loại vaccine cho gà trước giai đoạn gà cho khai thác trứng, gồm: Newcatxon, Cúm (H5, H9), EDS (giảm đẻ), IB chủng H52 (phế quản truyền nhiễm). Tiêm đủ và đúng liều lượng, đúng thời điểm sẽ không xảy ra tình trạng trứng non, trứng không có vỏ. Cùng với đó là sử dụng toa thuốc chống stress để gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt.

Ngoài ra, vị chuyên gia Chăn nuôi – Thú y này cũng đưa ra giải pháp chăn nuôi an toàn để nông dân, chủ trang trại áp dụng với các bước cơ bản gồm: Tổng tẩy uế; mua giống tại địa chỉ uy tín, an toàn dịch bệnh; đảm bảo kỹ thuật úm, chăm sóc; đảm bảo kỹ thuật phòng bệnh.

 Mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại huyện Quốc Oai.

Nắm chắc kỹ thuật phòng bệnh để tránh rủi ro

Trả lời các câu hỏi của nông dân về lĩnh vực trồng trọt – bảo vệ thực vật, TS Ngô Vĩnh Viễn – Nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật khẳng định: “Trong canh tác, bảo vệ cây trồng, bà con cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Trong đó, yếu tố đúng thời điểm là quan trọng nhất, nên bà con phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh hại sớm và phòng trừ hiệu quả”.

TS Ngô Vĩnh Viễn cũng hướng dẫn cụ thể cho các hộ cách chăm sóc một số loại cây ăn quả (ổi, táo, đu đủ…). Theo đó, cây ăn quả chỉ có thể sinh trưởng tốt khi vườn trồng được thoát nước kịp thời, từ đó hạn chế nhiễm nấm bệnh gây hại bộ rễ, ảnh hưởng đến thân, lá, quả. Bên cạnh đó, người trồng cần sử dụng phân bón hữu cơ để tăng sức đề kháng cho cây và giữ lại các vi sinh vật có lợi thay vì sử dụng các loại phân bón vô cơ và hóa học.  

TS Ngô Vĩnh Viễn lưu ý, đối với giai đoạn cây lúa làm đòng, trổ bông rất dễ bị bệnh bạc lá. Nguyên nhân do thời tiết mưa nhiều, gió mạnh gió khiến cho thân, lá lúa xô xát bị xước và dễ nhiễm vi khuẩn nên lây lan rất nhanh. Do đó, tuyệt đối bà con không bón phân đạm bổ sung cho lúa vì cách làm này càng khiến bệnh phát triển mạnh hơn.

Chia sẻ với bà con về biện pháp diệt trừ ruồi vàng, TS Cao Văn Chí - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cây có múi cho hay, 3 năm trở lại đây, ruồi vàng trở thành  bệnh chủ yếu gây hại trên cây có múi, đặc biệt là cây bưởi. Cách diệt trừ hiệu quả nhất là đánh bẫy xung quanh vườn để thu hút ruồi vàng ra ngoài vườn tiêu diệt; treo các chai nhựa có viên băng phiến trong vườn để đuổi ruồi ra khỏi vườn. Đánh ruồi vàng phải đánh tập trung trên diện rộng, đồng loạt thì mới hiệu quả. Cùng với đó, bà con nên dùng bao bọc quả để bảo vệ khỏi ruồi vàng và các sinh vật gây bệnh hại khác.

 Mô hình nuôi cá chép 'sông trong ao' tại huyện Quốc Oai cho hiệu quả cao.

Cầu nối đưa khoa học đến với nhà nông

Những năm qua, huyện Quốc Oai đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và dành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành được một số vùng chuyên canh như: Trồng cây ăn quả ở các xã Đại Thành, Yên Sơn cho thu nhập bình quân 350 triệu đồng/ha/năm; trồng rau an toàn ở các xã Nghĩa Hương, Sài Sơn, Tân Phú, Cộng Hòa… cho thu nhập hơn 250 triệu đồng/ha/năm; trồng chè chuyên canh tại xã Hòa Thạch mang lại doanh thu cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" là cơ hội để nông dân tiếp cận với các nhà khoa học, từ đó vỡ ra nhiều bài học áp dụng vào thực tế sản xuất.

"Nhịp cầu nhà nông" là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân. Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho hay, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì nông sản làm ra phải đảm bảo an toàn. Do đó, việc tiếp thu và vận dụng tốt những thông tin hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác.