Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia muốn tận diệt, doanh nhân xin mua rùa tai đỏ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi các nhà khoa học muốn diệt tận gốc rùa tai đỏ đang hoành hành ở hồ Hoàn Kiếm thì có doanh nhân xin được mua lại toàn bộ để chế biến thành món ăn, bởi cho rằng đây là nguồn thu không nhỏ.

KTĐT -  Trong khi các nhà khoa học muốn diệt tận gốc rùa tai đỏ đang hoành hành ở hồ Hoàn Kiếm thì có doanh nhân xin được mua lại toàn bộ để chế biến thành món ăn, bởi cho rằng đây là nguồn thu không nhỏ.

Những ngày qua, các chuyên gia Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội vẫn đang tiến hành thử nghiệm các phương pháp bẫy, bắt rùa tai đỏ tại một số hồ, trong đó có hồ Văn Quán.
 
Tuy nhiên, theo quan sát của PV thì việc thử nghiệm vẫn chưa đạt mức khả quan, một phần do yếu tố thời tiết (trời lạnh nên rùa tai đỏ ít lên bờ phơi nắng) và địa hình (nhiều người qua lại quanh hồ) gây động.
 
Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng quyết phương án phù hợp để bắt rùa tai đỏ, nhiều tập thể và cá nhân đã đưa ra các phương án bắt, diệt rùa độc.
 
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho rằng, phương pháp khả thi nhất là thủ công, cơ học, dùng lưới mắt nhỏ bắt rùa tai đỏ. Khi nắng lên, rùa tai đỏ ra ăn hoặc sưởi nắng, có thể huy động ngươi dân, học sinh tham gia bắt rùa. Sau khi vớt lên, tốt nhất nên đem đốt, tận diệt.
 
Cùng đó, có thể bắt rùa bằng cách dụ chúng lên các bãi để bắt. Theo đó phải tạo ra một vài bãi đẻ cho rùa ở chân Tháp Rùa hoặc khu ven đền Ngọc Sơn. Nếu áp dụng cách này buộc phải có sự giám sát đặc biệt, tránh bỏ sót trứng rùa.
 
Đồng thuận với ý kiến phải bắt sạch rùa tai đỏ ở hồ Hoàn Kiếm nhưng ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thương mại Hà Nội KAT - người nuôi và kinh doanh rùa tai đỏ nhiều năm qua - lại cho rằng, rùa tai đỏ là nguồn lợi thuỷ sản rất lớn: “Trước khi xảy ra vụ “lùm xùm” ở miền Tây Nam Bộ, người Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông đến mua và đặt hàng 380 - 400 nghìn đồng/kg. Hiện các thương lái vẫn đặt mua rùa tai đỏ với giá 200 nghìn đồng/kg”.
 
Vì thế vị thương gia này bày tỏ mong muốn được thu mua toàn bộ rùa tai đỏ bắt được để xuất khẩu làm món ăn và được cấp phép trở lại việc nuôi rùa tai đỏ (ông Khôi cam đoan chuẩn bị cơ sở vật chất nuôi, nhốt rùa tai đỏ an toàn).
 
 
PGS-TS Hà Đình Đức đưa ra ý kiến, với đặc điểm sinh sôi nảy nở rất nhanh, sống dai và cực kỳ phàm ăn, rùa tai đỏ không khác gì vấn nạn ốc bươu vàng từng hoành hành ở Việt Nam. Ngoài việc phá hoại môi trường, loài rùa này còn có thể mang vi khuẩn salmonella, loại gây bệnh thương hàn cho người.
 
Vì thế, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã xếp rùa tai đỏ đứng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Cùng với nhiều chuyên gia khác, ông Đức cũng kiến nghị cần sớm thực hiện các biện pháp tiêu diệt tận gốc rùa tai đỏ.
 
Rất nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, không nên để việc buôn bán rùa tai đỏ tái diễn, bởi khi đó sẽ rất khó kiểm soát nguồn cung, cầu. Với tốc độ sinh sôi, nảy nở khủng khiếp của loài rùa độc này, mối lợi nhỏ trước mắt sẽ gây hại lâu dài đến cân bằng sinh thái thiên nhiên, tận diệt nhiều nguồn thuỷ sản khác.
 
Thực tế đã cho thấy cuộc “xâm lăng” của rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm thông qua sự vô tình (phóng sinh nhiều nhất vào ngày rằm tháng 7 và 23 tháng Chạp) của người dân Thủ đô đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và sức khoẻ của cụ Rùa Hoàn Kiếm hiện nay.