Khi các cường quốc đang gấp rút thiết lập quy tắc toàn cầu về quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà quan sát nhận thấy những khác biệt về phương thức quản trị AI giữa Trung Quốc và phương Tây có thể khiến công việc trở nên khó khăn hơn.
Nan Jia, phó giáo sư quản lý chiến lược tại Trường Kinh doanh Marshall thuộc USC, cho biết khác biệt trong cách chính quyền Bắc Kinh và các nước phương Tây tham gia vào hoạt động AI là vấn đề đang được quan tâm.
“Trong khi tại phương Tây, công nghệ AI chủ yếu là cuộc chơi giữa các công ty tư nhân với mục tiêu thống lĩnh thị trường và chính phủ ít khi tham gia vào. Điều này hoàn toàn khác với Trung Quốc khi chính phủ nước này đang dồn mọi nguồn lực cho sự phát triển của AI” – chuyên gia này cho biết.
Theo bà Jia, Bắc Kinh muốn đẩy nhanh tiến độ phát triển công nghệ nhằm giảm sự phụ thuộc vào phương Tây cũng như khẳng định vị trí thống lĩnh thị trường.
Những lo ngại về khác biệt giữa Trung Quốc và phương Tây đã được nhấn mạnh trong một hội thảo ở Bắc Kinh vào tháng 6, khi Zhang Linghan, giáo sư tại Viện Luật Dữ liệu thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, chỉ ra các quốc gia khác nhau có quan điểm, lịch sử và khuôn khổ luật pháp khác nhau.
Bà cho biết một số mối đe dọa tại châu Âu thực tế lại được chấp nhận ở Trung Quốc. Bà lý giải điều này là do sự khác biệt về văn hóa cũng như bối cảnh đất nước.
Tại hội thảo này, một nhà ngoại giao châu Âu đã trình bày về Đạo luật AI vừa được thông qua vào tháng 5, cũng như các ưu tiên của EU trong quản lý AI.
Marjut Hannonen, người đứng đầu phái đoàn thương mại của Liên minh châu Âu tại Bắc Kinh, cho biết châu Âu đang ưu tiên đảm bảo sự an toàn cũng như bảo vệ quyền cơ bản của công dân.
Theo luật, các ứng dụng được xem là nguy hiểm, chẳng hạn như các ứng dụng thao túng ý chí, hoặc giám sát xã hội, đều bị cấm.
You Chuanman, giám đốc Trung tâm Điều tiết và Quản trị Toàn cầu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế tại cơ sở Thâm Quyến của Đại học Trung Văn tại Hong Kong, nhấn mạnh sự khác biệt về văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây có thể ảnh hưởng đến việc các quốc gia thống nhất về những quy tắc toàn cầu đối với AI.
Bà Jia, thuộc Trường Kinh doanh Marshall của USC, cho biết các chính phủ phương Tây thường quan tâm đến những vấn đề như quyền riêng tư, tính minh bạch, công bằng và trách nhiệm giải trình. Đây thường là những mối quan tâm thiên về cá nhân nhiều hơn.
Trong khi đó, theo bà, Chính phủ Trung Quốc dồn ưu tiên vào các vấn đề chung, những mối quan tâm với phạm vi rộng hơn nhằm đảm bảo việc quản lý đạt được hiệu quả.
Bà cho biết sự khác biệt này có thể sẽ khiến hai bên khó có thể xích lại gần nhau, đặc biệt là khi còn đang xảy ra những mâu thuẫn, căng thẳng về công nghệ.
Trong năm qua, Trung Quốc đã thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu về AI cũng như tăng cường hợp tác về lĩnh vực này với các quốc gia khác.
Tại Diễn đàn hợp tác và phát triển Internet Trung Quốc - Châu Phi vào tháng 4, cả hai bên bày tỏ mong muốn về hợp tác AI, kêu gọi nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ nhiều hơn, cũng như tăng cường các cuộc đối thoại.
Đầu tháng 10, Trung Quốc đã đề xuất quy tắc riêng với tên gọi Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu, kêu gọi quyền bình đẳng trong phát triển AI và nỗ lực chung để giải quyết tình trạng sử dụng công nghệ này sai mục đích.
Một minh chứng gần đây về sự hợp tác giữa Trung Quốc và phương Tây là Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết do Trung Quốc bảo trợ trong tháng này, kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo các quốc gia đang phát triển đều được hưởng lợi từ AI.
Nghị quyết này được hơn 140 quốc gia đồng bảo trợ, bao gồm cả Mỹ.
Bà Jia cho biết mặc dù Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận với phương Tây về một số vấn đề, các cuộc đối thoại vẫn nên diễn ra.
Bà nói: “Nếu không có đối thoại, các bên sẽ không có khả năng tìm được tiếng nói chung, dù là rất nhỏ”.