70 năm giải phóng Thủ đô

Chuyên gia nói gì về việc ông Putin yêu cầu cập nhật học thuyết hạt nhân?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia Nga nhận định, tuyên bố của ông Putin về những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga phản ánh “mối quan hệ rất căng thẳng giữa phương Tây và Moscow”.

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga hôm 25/9. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga hôm 25/9. Ảnh: Sputnik

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với tờ Sputnik, ông Dmitry Suslov, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp của Nga, nói rằng đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga do Tổng thống Vladimir Putin nêu ra trong tuần này nhằm mục đích giảm ngưỡng hạt nhân và thay đổi cán cân rủi ro đối với phương Tây.

“Phương Tây đang leo thang và thậm chí tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga. Đồng thời, họ cũng đang thảo luận về việc chuyển đổi cuộc xung đột này thành chiến tranh nóng” - ông Suslov, cũng là phó giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, cho hay.

Theo chuyên gia Suslov, lý do cơ bản khiến phương Tây hành động như vậy là vì họ tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân và thiệt hại đối với phương Tây do thất bại của Ukraine cao hơn nhiều so với thiệt hại do leo thang.

Vị chuyên gia giải thích thêm: “Chính vì vậy, hiện tại Nga đang thay đổi cán cân đó và cố gắng thuyết phục phương Tây rằng thiệt hại đối với chính họ sẽ giống như tự sát, tốt hơn là không nên leo thang căng thẳng thêm nữa. Với việc sửa đổi học thuyết hạt nhân, Nga vừa có thể sử dụng vũ khí hạt nhân theo mục tiêu của mình, vừa có thể đối phó với Ukraine, quốc gia đang hợp tác với các nước phương Tây sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Xét về bối cảnh, thời điểm Moscow tuyên bố sửa đổi học thuyết hạt nhân cũng liên quan đến việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về khả năng phương Tây cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.

“Quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Vì vậy, lý do Tổng thống Putin đề cập đến những thay đổi này trước khi công bố học thuyết hạt nhân là nhằm thay đổi quá trình ra quyết định và thuyết phục chính quyền Washington không thực hiện bước đi đó” - ông Suslov lưu ý thêm.

Ông Mikael Valtersson - cựu sĩ quan của Lực lượng vũ trang Thụy Điển, cựu chính trị gia quốc phòng kiêm tham mưu trưởng của đảng Dân chủ Thụy Điển - cũng đồng tình với những quan điểm của chuyên gia Suslov.

Theo ông Valtersson, tuyên bố của ông Putin về những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga phản ánh “mối quan hệ rất căng thẳng giữa phương Tây và Nga”.

“Các nước phương Tây trên thực tế là một phần của cuộc xung đột giữa Nga và Ukarine khi liên tục hỗ trợ quân sự cho Kiev nhằm thực hiện cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga,” ông Valtersson chỉ ra.

Chính trị gia này cho rằng trước những động thái gần đây của phương Tây, Moscow phải có hành động cụ thể để chứng tỏ họ đang rất nghiêm túc, nếu không phương Tây ngày càng tăng mức độ ủng hộ với Kiev. Ông Valtersson ám chỉ đến các cuộc tranh luận về khả năng những nước ủng hộ Ukraine “bật đèn xanh” cho Kiev phóng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp vào sâu trong lãnh thổ Nga.

“Tôi tin rằng phương Tây giờ đây sẽ do dự hơn nhiều khi cho phép Ukraine tiến hành cuộc tấn công tầm xa vào Nga,” chuyên gia Valtersson nhấn mạnh.

Bình luận về tuyên bố của ông Putin rằng Nga có quyền tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân - nếu bị tấn công bởi một quốc gia phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ, ngay cả khi sử dụng vũ khí thông thường, ông Valtersson nói rằng điều này rõ ràng có liên quan đến thực tế là Ukraine không thể tấn công các mục tiêu của Nga, nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây. “Điều đó sẽ tạo ra sự do dự giữa các quốc gia phương Tây, bởi Moscow có thể coi họ là một mục tiêu tiềm năng,” ông Valtersson kết luận.

Trong khi đó, giáo sư Dmitry Trenin tại Trường Kinh tế Cao cấp của Nga nói với đài RT rằng học thuyết hạt nhân cũ của Moscow dường như không hiệu quả trong việc răn đe kẻ thù trong giai đoạn hiện tại. Do đó, đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga về cơ bản là một tín hiệu cần quan tâm và là lời cảnh báo cuối cùng đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Trước đó, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga ngày 25/9, Tổng thống Putin đã đề xuất cập nhật học thuyết hạt nhân để xác định rõ ràng các tình huống có thể thúc đẩy Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân. Theo đó, Moscow sẽ coi "hành động khiêu khích chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân" là một cuộc tấn công chung vào Nga và vượt ngưỡng hạt nhân.

Cũng theo người đứng đầu Điện Kremlin, Nga có thể xem xét sử dụng phản ứng hạt nhân nếu có "thông tin đáng tin cậy" về một cuộc tập kích lớn nhắm vào lãnh thổ Nga hoặc đồng minh thân cận nhất của Moscow là Belarus.