Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia nói gì về việc xây cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng Thành?

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành Hào nối Thượng Thành để phục vụ du khách khi đến thăm Quần thể di tích Cố đô Huế đang nhận được nhiều ý kiến đa chiều.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phối hợp UBND TP Huế tổ chức cuộc thi “Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành Hào nối Thượng Thành”. Ý tưởng này nhận được nhiều quan điểm đồng ý, song vẫn có một số ý kiến trái chiều về việc này. Liên quan đến vấn đề này, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn một số chuyên gia về văn hóa, lịch sử để có góc nhìn đa chiều hơn.

Sơ đồ hướng tuyến cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào nối Thượng Thành. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Sơ đồ hướng tuyến cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào nối Thượng Thành. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Sẽ tác động lên di tích Huế

Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, việc xây dựng cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành Hào, rồi băng qua tường thành của Kinh Thành Huế như một số thông tin đã được đăng tải công khai là không phù hợp.

Ông Sơn cho biết: “Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1993, nên đây không còn là tài sản văn hóa của riêng Huế hay của Việt Nam, mà là tài sản văn hóa của nhân loại và chịu sự giám sát của UNESCO. Vì thế, khi trùng tu, tôn tạo quần thể di tích này thì ngoài việc tuân thủ Luật Di sản văn hóa của Việt Nam, còn phải tuân theo các công ước, nghị định, hướng dẫn… của UNESCO về bảo tồn di sản văn hóa, nhất là các công ước bắt buộc yêu cầu tôn trọng tính nguyên trạng của di sản. Vì thế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngoài báo cáo Bộ VH-TT&DL, cần phải tham vấn Cơ quan đại diện UNESCO tại Việt Nam, trước khi phát động cuộc thi thiết kế cầu vượt này”.

Cửa Thể Nhân – hiện là lối vào gần nhất của du khách khi đi bộ từ bến xe Nguyễn Hoàng vào tham quan khu vực Đại Nội Huế.
Cửa Thể Nhân – hiện là lối vào gần nhất của du khách khi đi bộ từ bến xe Nguyễn Hoàng vào tham quan khu vực Đại Nội Huế.

TS Trần Đức Anh Sơn nói thêm: “Về kỹ thuật, nếu làm cầu gỗ vượt qua hào hộ thành thì không sao, nhưng nếu cầu ấy vượt qua cả tường thành của Kinh Thành Huế thì cầu sẽ có độ dốc lớn, rất khó cho du khách sử dụng, nhất là người cao tuổi. Và chiếc cầu này sẽ tác động đến cảnh quan và tính nguyên trạng của di sản, vi phạm các quy định của UNESCO, nên chắc chắn sẽ bị phản đối. Chúng ta đã biết UNESCO đã từng rút danh hiệu Di sản văn hóa thế giới của TP Dresden ở Đức và Di sản thiên nhiên thế giới của một vịnh biển ở Lebanon, vì những công trình xây dựng mới làm thay đổi cảnh quan và tính nguyên trạng của những di sản này. Đó là chưa kể, không ai chấp nhận việc “trèo tường” để vào thăm di sản văn hóa cả”.

 

Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới năm 1993. Dù đây là di sản thứ 410 trong danh mục, nhưng lại là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Về giải pháp thay thế, TS Trần Đức Anh Sơn đề nghị: “Cấm xe ô tô các loại ra vào Kinh Thành Huế qua cửa Thể Nhân và cửa Quảng Đức. Hai cửa này chỉ dành cho người đi bộ, trong đó cửa Thể Nhân là lối vào và cửa Quảng Đức là lối ra dành cho du khách. Để du khách tránh khỏi đi bộ nhiều, Trung tâm Bảo tồn Di tích nên khôi phục việc sử dụng Ngọ Môn cho cả khách vào và ra theo các lối đi khác nhau, thay vì khách vào bằng Ngọ Môn và ra bằng cửa Thể Nhân.

Như vậy là họ đi bộ quá xa. Ngoài ra, nên tạo một điểm dừng (cho phép xe đỗ không quá 5 phút) ở giao lộ Lê Duẩn - cửa Quảng Đức (cạnh địa điểm di tích trường Thanh niên Tiền tuyến) để đón du khách đi bộ từ trong Đại Nội đi ra qua cửa Quảng Đức, tránh bắt họ phải đi bộ quá xa để quay trở lại bến xe du lịch Nguyễn Hoàng ở phía trái cửa Thể Nhân”.

Mới chỉ là một cuộc thi

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế cho rằng, ở trên thế giới người ta không thiết kế cầu băng qua, mà người ta chỉ thiết kế cầu xem như là một điểm ngắm toàn bộ, có thể xây dựng cầu theo kiểu tạo ra điểm nhấn.

Du khách và các phương tiện giao thông di chuyển vào khu vực Cửa Ngăn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Du khách và các phương tiện giao thông di chuyển vào khu vực Cửa Ngăn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

“Ở Huế thì gần như không có điểm nhìn để quan sát toàn bộ Đại Nội, nếu như biến là thành một điểm nhấn, một không gian mới, đừng xâm phạm di tích thì nó không sao cả. Tất cả mới chỉ là ý tưởng, nên tôi không phản đối, hãy cứ để người ta làm, biết đâu sẽ đưa ra những ý tưởng hay” - ông Hoa nói thêm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa dẫn ra trường hợp thiết kế cầu đi bộ gỗ Lim (nằm giữa cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân), khi chưa xây dựng thì rất nhiều ý kiến cho nó là xấu, không thích hợp, và câu hỏi được đặt ra là cầu này được thiết kế như thế nào. Bây giờ khi cầu đi bộ gỗ Lim đi vào hoạt động đã che đi những phần xấu của bờ sông Hương ở đoạn này, và nó đã tạo ra điểm nhấn.

“Đây là cuộc thi về ý tưởng, mà là ý tưởng thì cứ để người ta làm, còn khi quyết định làm rồi thì cần tham gia góp ý cụ thể, nếu thiết kế mà phá vỡ di tích, đến lúc đó phản đối cũng chưa muộn” - ông Hoa nói.