Tiến sĩ Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Duane Morris Vietnam LLC, tin rằng Việt Nam sẽ lấy lại vị thế của mình - một trong những địa điểm đầu tư lý tưởng nhất ở Đông Nam Á khi kiểm soát được dịch bệnh trong sáu tháng tới.
Tiến sĩ Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Duane Morris Vietnam LLC. Ảnh: Duane Morris Vietnam LLC |
Ông nhận định gì về tin đồn gần đây về việc các tập đoàn nước ngoài có ý định chuyển hoạt động sản xuất từ TP. Hồ Chí Minh sang các nước khác do ảnh hưởng của Covid-19?
Đúng là có tin đồn này và nó đến ở thời điểm khá hợp lý, thế nhưng chúng ta nên xem xét liệu việc di dời của các tập đoàn này có thực sự xảy ra hay không thì phải đợi khoảng sáu tháng tới để đánh giá tình hình đại dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào.
Năm 2020, nhờ khả năng ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19 quyết liệt, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Cùng với việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), Việt Nam được xác định là trung tâm sản xuất mới của khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, kể từ tháng 5 năm 2021, tình hình Covid-19 ở Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, đã thay đổi nhanh chóng, dẫn đến việc đóng cửa trên toàn quốc trong bốn tháng qua. Các nhà máy muốn tiếp tục sản xuất phải áp dụng các quy định vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo an toàn sản xuất, nên chỉ có một số lượng lao động làm việc và sinh hoạt tại chỗ, trong khi một bộ phận nhân viên văn phòng chủ yếu làm việc tại nhà.
Trong giai đoạn giãn cách, nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt với các vấn đề khác như thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, hạn chế tiếp xúc giữa doanh nghiệp và khách hàng, hay người nước ngoài không thể vào Việt Nam. Với sự gián đoạn hoạt động đột ngột và chi phí gia tăng để đảm bảo an toàn cho người lao động và nhu cầu tại chỗ, các doanh nghiệp này buộc phải tìm cách vận hành linh hoạt, hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh đó, để đảm bảo được tiến độ và hoàn tất các đơn hàng, một số doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu chuyển một phần đơn đặt hàng của họ sang Trung Quốc, một số dừng việc chuyển đơn từ Trung Quốc sang Việt Nam và một số khác đang tìm kiếm các quốc gia thay thế như Philippines.
Những yếu tố nào sẽ khiến các tập đoàn này cân nhắc rời khỏi Việt Nam?
Trong một cuộc khảo sát gần đây của CCIFV về việc khôi phục hoạt động kinh doanh, 51% số doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam được khảo sát cho biết, họ cần ít nhất sáu tháng để trở lại hoạt động bình thường. 62% số doanh nghiệp được hỏi sẽ ngừng hoạt động nếu tình hình không được cải thiện trong 12 tháng tới. Khoảng 65% trong số họ sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức nếu tình hình không được cải thiện trong ba tháng tới.
Vì vậy, những động thái của các tập đoàn này có thể xảy ra trong thời gian tới nếu tình hình Covid-19 tại Việt Nam không sớm được kiểm soát tốt. Chính phủ Việt Nam cần công bố cụ thể kế hoạch và biện pháp chống đại dịch trong từng giai đoạn, vì điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nước ngoài ổn định và an tâm trong việc lập kế hoạch kinh doanh lâu dài.
Theo ông, đâu là yếu tố giữ chân các thương hiệu lớn như Nestlé, Samsung, Tetra Pak và LG tại Việt Nam?
Trước hết, các thương hiệu này sẽ không dễ dàng chuyển ngay hoạt động sản xuất của họ sang nước khác. Các công ty này có thể tìm đến các phương án thay thế trong ngắn hạn trong khi theo dõi những chuyển biến tại Việt Nam.
Hiện nay, đa phần người dân Việt Nam đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên, ngoài ra, triển vọng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam cũng rất khả quan.
Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với các doanh nghiệp do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Như vậy, đến cuối năm 2021, có ít nhất một triệu doanh nghiệp được tiếp cận với các chính sách tín dụng thuận lợi, giảm hoặc chấm dứt việc nộp thuế, phí đất đai, điện, nước và cước viễn thông.
Một trong những chính sách ưu đãi đó là dự thảo văn bản mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó đề cập đến việc giảm giá điện tại các kho hàng của các doanh nghiệp dịch vụ hậu cần, chế biến nông lâm thủy sản, một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu qua Mỹ lên đến 1 tỷ đô la, và cho các cơ sở lưu trú du lịch.
Ông dự đoán những kịch bản chuyển dịch sản xuất có thể xảy ra trong tương lai gần?
Nếu Việt Nam có thể kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 trong sáu tháng tới, tôi tin rằng các bạn sẽ lấy lại vị thế của mình - một trong những địa điểm đầu tư lý tưởng nhất ở Đông Nam Á.
Chính phủ Việt Nam cần làm gì để tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nước ngoài được ổn định?
Chính phủ cần luôn lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp và hướng dẫn họ cách giải quyết. Bắt buộc phải mở cửa lại nền kinh tế càng sớm càng tốt trong khi đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh được tiến hành một cách an toàn để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Việt Nam đã bắt đầu áp dụng thẻ tiêm chủng cho phép người dân tự do đi lại sau khi họ đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất hoan nghênh nỗ lực của chính phủ trong việc đưa ra ra các chính sách hỗ trợ họ khắc phục các vấn đề do đại dịch gây ra, cũng như mở cửa hoạt động trở lại và thúc đẩy hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng.
Cảm ơn ông!