Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia tư vấn học sinh sử dụng điện thoại di động đúng, đủ, có trách nhiệm

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên về việc học sinh (HS) được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong lớp học khi được giáo viên cho phép, bà nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cho biết: Nghiện điện thoại đang là căn bệnh mới của trẻ em.

Thưa bà, nhiều phụ cho rằng HS sử dụng điện thoại có hại nhiều hơn lợi, nên rất lo lắng khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 32 trong đó bỏ quy định cấm sử dụng ĐTDĐ trong lớp học? Là chuyên gia về bảo vệ trẻ em, bà có quan điểm thế nào?
- Công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho con người, bao gồm cả trẻ em. HS có thể sử dụng ĐTDĐ để học, nghiên cứu, khảo sát, giải trí, trao đổi và giao lưu kết nối bạn bè... Việc HS dùng điện thoại cho việc học ở trường, được tiếp cận không giới hạn kho tàng kiến thức trên mạng sẽ giúp trẻ học hiệu quả.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, nếu giáo viên không kiểm soát và hướng dẫn tốt, sẽ có những HS không tự giác có thể sử dụng điện thoại vào làm việc riêng, chơi game, xem các chương trình không phù hợp. HS sử dụng điện thoại nhiều cũng không tốt cho mắt và sức khỏe.
Các em có thể gặp các rủi ro như: Bị mất thông tin cá nhân, chat chit kết bạn xấu, tham gia các group kín có nội dung không lành mạnh. Các em có nguy cơ bị lừa đảo, bắt nạt trên mạng, bị xúi giục lôi kéo theo các trào lưu, thử thách xấu, thậm chí là bị xâm hại tình dục trên mạng...
Thầy cô giáo, cha mẹ từ sớm cần đồng hành cùng con để sử dụng điện thoại đúng, đủ và có trách nhiệm.
Bà đã có những nghiên cứu về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo bà, làm sao để trẻ em sử dụng điện thoại an toàn?
- Nghiện ĐTDĐ, mạng internet hiện nay đang là một căn bệnh mới của trẻ em. Theo những khảo sát của chúng tôi, ngày càng nhiều trẻ em sử dụng điện thoại từ rất sớm, thời gian 3 - 4 tiếng/ngày, thậm chí là trên 5 - 6 tiếng/ngày, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em.
Chúng tôi khuyến cáo, thầy cô giáo, cha mẹ từ sớm cần đồng hành cùng con để sử dụng điện thoại đúng, đủ và có trách nhiệm.
Đúng mục đích sử dụng là trẻ em được trao vào tay thiết bị di động, ở từng độ tuổi sẽ có mục tiêu khác nhau. Ví dụ, trẻ tiểu học dùng điện thoại để bố mẹ có thể liên lạc được để đảm bảo an toàn cho trẻ. Các con cũng có thể tham gia vào 1 số hoạt động học tập như trả lời quiz, học trực tuyến, tra cứu 1 số thông tin.
Trẻ em lớn hơn sử dụng điện thoại vào cả các mục đích nghiên cứu, học trực tuyến, sử dụng mạng xã hội, giải trí... Nhưng bố mẹ cần hướng dẫn con sử dụng đúng mục tiêu, ngoài ra trang bị những kỹ năng phòng chống các rủi ro, giữ cho bản thân an toàn. Ví dụ: Trẻ không đưa thông tin cho người lạ, biết chặn các tin nhắn rác, quấy rối, không xem các trang có nội dung không phù hợp. Nếu trẻ có cảm giác khó chịu, không an toàn thì nói ngay với bố mẹ và thầy cô.
Bà Nguyễn Phương Linh đang tư vấn cho trẻ em sử dụng điện thoại di động an toàn.
Đủ - là thời lượng và thời điểm trẻ em dùng ĐTDĐ. Theo độ tuổi, các em chỉ nên tương tác với điện thoại dưới 2 giờ/ngày, ở độ tuổi bé là dưới 1 giờ. Trẻ cũng không nên nhìn vào màn hình điện thoại khi ánh sáng kém, không nhìn quá lâu... sẽ hại mắt. Và, quan trọng hơn, trẻ cần xác định đây là thời điểm dùng điện thoại hay nên làm các việc khác.
Thứ nữa là sử dụng điện thoại có trách nhiệm. Trẻ em bảo vệ điện thoại của mình cũng như dùng đúng, đủ để là công cụ phục vụ cho cuộc sống, học tập và phát triển.
Từ ngày 1/11/2020, theo quy định Thông tư 32, HS được sử dụng ĐTDĐ khi giáo viên cho phép. Theo bà, làm sao để kiểm soát HS sử dụng điện thoại vào mục đích học tập đạt kết quả tốt?
- Trao quyền cho trẻ em làm chủ công nghệ, thầy cô và phụ huynh cùng đồng hành là cách tốt nhất để giúp HS sử dụng điện thoại hợp lý trong lớp phục vụ học tập. Chúng ta không có cách kiểm soát nào tuyệt đối cả nếu HS không ý thức và tự giác. 
Tôi nghĩ để triển khai Thông tư, các trường, giáo viên nên khảo sát nhu cầu, cách thức HS sử dụng ĐTDĐ trong lớp và cũng là lấy ý kiến, sáng kiến của các em về việc dùng điện thoại sao cho phù hợp. HS đưa ra giải pháp, giáo viên thống nhất và cùng thực hiện. Đây chính là phương pháp tốt nhất để các em cảm thấy được làm chủ, ra quyết định và sẽ tự giác thực hiện, hợp tác với giáo viên.
Ở khía cạnh khác, cả HS và giáo viên cũng cần được trang bị các kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ hợp lý, an toàn, thông minh để hợp tác hiệu quả trong dạy và học. 
Xin cảm ơn bà!