Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hà Nội: những tấm gương truyền cảm hứng cho tinh thần học tập suốt đời

Kinhtedothi – Tinh thần học tập suốt đời không phải là khẩu hiệu mà đã được cụ thể hóa qua nhiều cá nhân, nhiều mô hình. Tại diễn đàn học tập suốt đời năm 2025 với chủ đề “Học tập suốt đời để trở thành người hữu dụng” do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, 3 khách mời là những tấm gương truyền cảm hứng đã có nhiều chia sẻ xúc động và thấm thía về tinh thần học tập suốt đời.

Coi học tập suốt đời là trách nhiệm

Suốt gần 30 năm qua, cô Phạm Thị Huyền (SN 1954, trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã mở và duy trì “Lớp học tình thương” để dạy học cho những trẻ em lang thang cơ nhỡ, người có hoàn cảnh khó khăn… Lớp học của cô Huyền tập hợp học sinh ở những vùng miền khác nhau, không cùng độ tuổi, trình độ nhưng luôn chan chứa tình yêu thương. Mỗi ngày, tinh thần học tập được cô Huyền gieo đến mỗi học viên của lớp học, để các em không chỉ biết đọc, biết viết mà còn biết cách ứng xử và không ngừng nỗ lực vươn lên.

3 nhân vật truyền cảm hứng về tinh thần học tập suốt đời giao lưu với học sinh trong diễn đàn.

Đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Hà Nội cũng có nhiều học viên tiêu biểu cho tinh thần học tập suốt đời. Trong số đó, có anh Phạm Quang Giang, SN 1985, học viên khiếm thị, hiện là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Ninh Bình. Dù đã lớn tuổi, có công việc và chỗ đứng nhất định nhưng anh Giang vẫn chủ động đi tìm con chữ. Hiện, anh là học viên lớp 10 tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Chia sẻ lý do chính để quay lại học tập sau gần 20 năm gián đoạn, anh Phạm Quang Giang cho biết, anh đi học lại vì muốn nâng cao trình độ văn hoá của bản thân; đáp ứng sự phát triển và yêu cầu ngày càng cao của công việc. Với vai trò người đứng đầu của một tổ chức, anh muốn là người tiên phong trong mọi hoạt động, từ đó vận động nhiều bạn trẻ khiếm thị khác tiếp bước và học lên cao hơn. Mặt khác, anh Giang cũng muốn gửi thông điệp đến các con của mình, rằng hãy luôn cố gắng để học thật tốt mỗi ngày.

Còn với anh Phạm Quốc Việt, học viên lớp 10 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, tinh thần học tập suốt đời của anh thể hiện rất khác. Anh Việt là Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel - từng tham gia cứu hộ ở những vụ cháy lớn như vụ cháy chung cư mini Khương Hạ, cháy dãy nhà trọ ở Trung Kính, cháy ở Định Công Hạ và cứu hộ hàng nghìn nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông khác. Mặc dù rất bận rộn nhưng với quyết tâm tiếp tục theo đuổi con đường học hành còn đang dang dở, anh Phạm Quốc Việt đã cố gắng sắp xếp thời gian để theo học chương trình giáo dục thường xuyên, hướng tới những mục tiêu xa hơn trong cuộc đời.

Động lực giúp anh đến lớp xuất phát từ thực tế. Đa số các thành viên trong đội cứu hộ do anh sáng lập có lòng nhân ái, nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm sơ cấp cứu đối với người gặp nạn. Anh Việt quyết tâm sẽ hoàn thành việc học văn hóa để nếu có thể sẽ theo học ngành y, trở thành bác sĩ; từ đó có kiến thức để tập huấn, chia sẻ đến các thành viên trong đội cũng như tăng cơ hội giúp đỡ cộng đồng. 

Những trái ngọt và lời nhắn nhủ

Theo tâm sự của anh Giang, duy trì việc học văn hóa và học nghề với người khiếm thị là vô cùng khó khăn. Ban đầu, anh cùng các thành viên của hội phải tiến hành khảo sát để xác định số người khiếm thị trên địa bàn tỉnh; đồng thời lắng nghe tâm tư của họ. Đa phần người khiếm thị đều mặc cảm, tự ti với số phận; gia đình họ cũng không muốn cho con đi học với tư tưởng “đã mắt kém thì không làm được gì”.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa 3 nhân vật truyền cảm hứng.

“Vận động người khiếm thị đi học đã khó; việc bố trí lớp học, giáo viên dạy cũng vất vả không kém. Mặt khác, chế độ với người khiếm thị hạn hẹp cũng là rào cản để người khiếm thị đi học" - anh Giang kể.

Trước đây, mỗi học viên đi học đều cần người nhà – lao động chủ lực của gia đình bố trí thời gian đưa đi, đón về. Điều này khiến nhiều học viên bỏ dở; có học viên đòi về vì nhớ nhà. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Người mù, anh Giang vừa động viên, chia sẻ với học viên, vừa vận động các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh phí để có thêm điều kiện hỗ trợ học viên. Nhờ đó, những năm gần đây, 100% học viên đi học đã được bố trí chỗ ăn, ngủ hoàn toàn miễn phí nên rất phấn khởi và đi học đều.

Noi theo tấm gương học tập của anh Giang, không ít học viên trẻ đã hỏi anh quy trình, thủ tục xin đi học để đăng ký chương trình giáo dục thường xuyên vào năm tới. Với anh Giang, đó là thành công bước đầu, là cụ thể hoá của việc lan toả tinh thần học tập đến cộng đồng và toàn xã hội.

Nhìn lại hành trình dạy học của bản thân, cô Phạm Thị Huyền cho biết, gần 30 năm qua, nhiều lứa học sinh của cô đã trưởng thành; không ít em hoàn thành chương trình đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc trở về địa phương làm việc tại khu công nghiệp với các vị trí khác nhau. Trong số đó, cô Huyền nhớ nhất là 3 học viên: một em ở Hà Giang, xuống Hà Nội xin rửa bát đã được cô Huyền mời đến học. Nhờ những con chữ do cô Huyền dạy, học sinh đó đã tự tin đi học nghề, về quê mở cửa hàng cắt tóc làm đẹp lớn, có gia đình hạnh phúc. Một bạn khác có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đi bước nữa, bố mất sớm; khi lang thang xuống Hà Nội, được cô vận động đi học. Sau này, bạn học hết lớp 12, đi học trung cấp nấu ăn và được nhận làm việc tại khách sạn 5 sao. Hay một trường hợp khác, ban đầu không biết chữ nhưng cô Huyền mời đến lớp học; sau bạn cố gắng học hết lớp 12, hiện làm nhân viên an ninh tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Cô Phạm Thị Huyền cho biết, để duy trì được lớp học, điều đầu tiên là phải có tình thương với con người; thứ đến phải yêu ngành giáo dục, thích làm giáo viên. Nếu không có những yếu tố đó, lớp học khó có thể hoạt động lâu dài.

Kể lại kỷ niệm sau hơn 1 năm đi học, anh Phạm Quốc Việt cho biết, anh từng rất bất ngờ khi tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Thanh Xuân, nơi anh theo học có một cô giáo là người anh cứu giúp tại vụ cháy chung cư mi ni ở Khương Hạ. Cô giáo vẫn nhớ và coi anh là ân nhân; đồng thời giúp anh bắt đầu học lại kiến thức cơ bản nhất; động viên anh cố gắng và quyết tâm duy trì nhịp học thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ.

Gửi thông điệp đến các học sinh thế hệ hôm nay, cô Huyền, anh Giang và anh Việt đều nhấn mạnh vai trò của tri thức và học tập; từ đó nhắn các em học sinh hãy cố gắng, rèn luyện kiến thức để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.

3 nhân vật truyền cảm hứng tại Diễn đàn Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức đã thể hiện rõ tinh thần học tập suốt đời qua việc không ngừng cập nhật và tiếp thu những kiến thức mới. Điều đáng quý hơn cả là họ không giữ kiến thức cho riêng mình mà còn truyền dạy, lan tỏa tới các thế hệ tiếp theo, cùng nhau nhận rõ giá trị của bản thân, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Bài 4: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

26 Apr, 05:47 AM

Kinhtedothi - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, học tập suốt đời là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để bảo đảm sự phát triển thịnh vượng, bền vững. Chỉ khi đẩy mạnh thực chất học tập suốt đời, chúng ta mới giàu có những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến để giải quyết những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, những vấn đề mới, chưa có tiền lệ.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ