Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia: “Xử phạt FLC - khá kịp thời và mạnh mẽ“

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định xử phạt hành động bán cổ phiếu không báo cáo của ông Trịnh Văn Quyết là khá mạnh mẽ, lấy lại niềm tin thị trường.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam về các sự kiện nóng trên thị trường chứng khoán những ngày gần đây và triển vọng thị trường (TTCK) năm 2022

Hành động bán cổ phiếu không báo cáo của ông Trịnh Văn Quyết đã phải nhận quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán của ông này và hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022. Quyết định này của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán, Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE) theo ông, đã đủ mạnh tay để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường?

Phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu FLC lập kỷ lục về thanh khoản với hơn 135 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và thỏa thuận. Lượng cổ phiếu này cao gấp 4 - 5 lần trung bình những phiên giao dịch trước đó (khoảng 30 triệu đơn vị/phiên) và tương đương 19% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Tuy nhiên, đến cuối ngày 10/1, Tập đoàn FLC mới phát đi thông báo về việc nhận được báo cáo giao dịch cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, đăng ký bán 175 triệu trên tổng số 215,4 triệu cổ phiếu đang nắm giữ.

Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, các quyết định của Ủy ban Chứng khoán là khá mạnh mẽ để lấy lại niềm tin thị trường 
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, các quyết định của Ủy ban Chứng khoán là khá mạnh mẽ để lấy lại niềm tin thị trường 

Hành động bán cổ phiếu không báo cáo này khiến nhà đầu tư rất bức xúc. Giá cổ phiếu FLC đã liên tục sụt giảm trong vòng 2 - 3 phiên gần đây 25 - 30%.

Để xử phạt hành vi vi phạm pháp luật này, Ủy ban Chứng khoán và HOSE đã quyết định phong tỏa tất cả tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 11/1/2022 và hủy bỏ toàn bộ dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết. Tôi cho rằng, phản ứng của cơ quan quản lý trong trường hợp này là kịp thời và khá mạnh mẽ nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Đây không phải là lần đầu tiên FLC và cá nhân ông Trịnh Văn Quyết vi phạm quy định công bố thông tin. Tuy nhiên, mức xử phạt với các vi phạm trước đây là rất thấp so với so với tổng giá trị chứng khoán bán mà không thực hiện đăng ký. Vì thế, các quyết định lần này theo tôi là đủ mạnh để lấy lại niềm tin thị trường và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Nhà đầu tư rất quan tâm đến việc HOSE thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết. Việc truy tìm đâu đó hơn 19.000 tài khoản đối ứng thuộc diện được lấy lại tiền này có khả thi về mặt kỹ thuật không, thưa ông?

Với việc hủy kết quả giao dịch vi phạm trong trường hợp này về kỹ thuật là khả thi và thuận tình với đa số nhà đầu tư. Điều này sẽ lấy lại niềm tin cho thị trường, tăng tính minh bạch cũng như thu hút thêm các nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư ngoại.

Liên quan đến nghiệp vụ để trả lại tiền cho nhà đầu tư, với cơ sở hạ tầng chứng khoán hiện nay, tôi tin sẽ thực hiện tốt. Tuy nhiên, cũng sẽ mất thời gian.

Và việc này cũng sẽ mất khá nhiều nguồn lực. Đây cũng là bài học cho các cá nhân, DN đang có ý định manh nha các hành động thiếu minh bạch sẽ phải suy nghĩ lại.

Thưa ông, về dài hạn, để hạn chế tối đa các hành động vi phạm, trong đó có mua chui, bán chui trên TTCK, cần thêm những chế tài nào?

Theo tôi, để hạn chế các trường hợp vi phạm trong tương lai cơ quan quản lý cần tăng chế tài xử phạt, có thể áp dụng mức phạt 10 - 20% tổng giá trị giao dịch vi phạm hoặc 20 - 30% tổng số tiền thu lợi bất chính (lợi nhuận) từ hành vi vi phạm. Với chế tài phạt nặng, chắc chắn sẽ tăng tính răn đe, đủ để hạn chế các trường hợp vi phạm như trường hợp này.

Những tuần đầu 2022, ngoài những ngày vui đầu năm, TTCK cũng đón nhận khá nhiều tin nóng khi FLC bán không báo cáo, Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm - tác động lớn đến khối DN bất động sản và hiện tượng ngắt kết nối, đơ màn hình trên HOSE tiếp tục diễn ra. Trong bối cảnh này, ông đánh giá thế nào về kỳ vọng, tiềm năng của thị trường năm nay?

TTCK năm 2021 là một nền tảng vững chắc, khi dòng tiền từ nền kinh tế đầu tư vào chứng khoán, hay sự dịch chuyển của các kênh đầu tư khác. Dòng tiền lớn đến từ trong nước và chủ yếu là từ nhà đầu tư cá nhân.

Với việc tăng trưởng dòng vốn và số lượng nhà đầu tư như năm 2021, tôi tin rằng, năm mới 2022, chúng ta sẽ tiếp tục đón nhận thêm được nhiều thông tin tích cực hơn nữa trên TTCK Việt Nam.

Nối tiếp đà tích cực này, năm 2022 tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ để tiếp tục phát triển như: Kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát ở mức trung bình, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng với mặt bằng lãi suất thấp, chính sách tài khóa sẽ đẩy mạnh để kích thích hồi phục kinh tế sau khi đã kiểm soát thành công dịch Covid-19.

Dự báo kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng và sự hồi phục chung của hệ thống doanh nghiệp Việt sẽ thể hiện tích cực hơn trong năm 2022, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp có thể đạt mức 25% - 30% là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của TTCK. Kênh đầu tư chứng khoán vẫn là thanh khoản cao thu hút được dòng tiền lớn trong nền kinh tế, nguồn lực margin của các công ty chứng khoán tăng mạnh nhờ sự tăng vốn lớn của nhiều công ty chứng khoán, sự trở lại của khối ngoại cũng có thể được kỳ vọng trong năm 2022 là các yếu tố hỗ trợ thêm.

Về điểm số VN-Index năm 2022, tôi kỳ vọng sẽ có thể đạt mốc 1.700 điểm, tăng khoảng 15% so với mức đóng cửa năm 2022. Về thanh khoản, năm 2022 có thể duy trì mức bình quân khoảng 26.000 - 28.000 tỷ đồng/phiên là rất tích cực và nhiều khả năng khối nội vẫn là dòng vốn chính đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Các ngành được nhận định tăng trưởng tốt trong năm 2022 là chứng khoán, bất động sản, xây dựng và vật liệu, ngân hàng, cộng nghệ, khu công nghiệp, bán lẻ và hàng tiêu dùng, tài nguyên... Và nhiều ngành bị tác động tiêu cực bởi Covid-19 có thể hồi phục trở lại như hàng không, du lịch, cảng biển, vận tải...

Trân trọng cảm ơn ông!