Chuyển giao đào tạo, sát hạch lái xe: Phải bảo đảm tính khả thi cao

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay đầu năm, cơ quan chức năng đã khởi động lại việc triển khai xây dựng quy phạm pháp luật về đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ. Trong đó có việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, ATGT đường bộ.

Trong các hội nghị, hội thảo vừa qua, mỗi ngành đều có những ý kiến bảo vệ quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm… đang thực thi. Và tới đây sẽ còn tiếp diễn để lấy ý kiến rộng rãi hơn, có cái nhìn bao quát, khoa học hơn trước khi hoàn thiện trình Quốc hội.

Khi tách luật, trong nhiều vấn đề, có việc đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe (GPLX) sẽ như thế nào? Trước đây và cả hiện tại luôn có sự bàn luận sôi nổi vấn đề này. Một luồng ý kiến cho rằng đào tạo, sát hạch lái xe để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, ý thức của người lái xe, nhằm xây dựng trạng thái giao thông đường bộ an toàn, là nội dung của bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, nên giao cho Bộ Công an quản lý Nhà nước là phù hợp. Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý về cả phương tiện và người tham gia giao thông xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và cả sau khi được cấp.

Với chiều ngược lại cho rằng, việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là chưa phù hợp, gây lãng phí. Bởi, Bộ Công an sẽ phải đầu tư về con người và vật chất, trong khi Bộ GTVT đã có và đang thực hiện ổn định. Và trong thời gian gần đây, lĩnh vực này đã được Bộ GTVT chú trọng đổi mới chương trình đào tạo, cải cách thủ tục hành chính, nhất là đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng công nghệ đào tạo đảm bảo công khai, minh bạch hơn trước.

Tuy vậy, hiện tại, trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn những“lỗ hổng”, nó được ví von với từ không mấy thiện cảm như “tử thần” , “chí mạng”. Ấy là bàn tới tai nạn giao thông mà nguyên nhân phần lớn do người cầm điều khiển xe ô tô, xe máy gây ra. Cả nước, mỗi năm xảy ra cả chục ngàn vụ tai nạn giao thông, trung bình mỗi ngày cướp đi sinh mạng trên dưới 20 người.

Theo kết quả phân tích từ cơ quan chức năng, tới khoảng 70% nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông xuất phát từ lỗi của người điều khiển phương tiện như vi phạm làn đường, phần đường; vi phạm tốc độ xe chạy; chuyển hướng không chú ý, do không nhường đường… Đó chính là thiếu văn hóa tham gia giao thông, hay nói cách khác, không thực hiện đúng quy tắc khi tham gia giao thông.

Cho nên, đa số người được hỏi nêu rằng, trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, các cơ sở đào tạo chưa chú trọng trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp cho học viên. Đấy là chưa bàn sâu tới việc có hiện tượng “bao đậu” ở một vài trung tâm nào đó…

Thôi thì tới đây, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX có thuộc về cơ quan chủ quản nào chăng nữa, rất cần ngành chủ quản tăng cường số hóa điện tử để quá trình thi, sát hạch tăng tính minh bạch; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính hiệu quả; đổi mới xây dựng chương trình đào tạo để học viên có kỹ năng lái xe tốt, ý thức khi tham gia giao thông được nâng cao. Đặc biệt, điều người dân mong muốn, là những thay đổi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học nhằm bảo đảm tính khả thi cao trong quá trình thực hiện và không gây xáo trộn cuộc sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần