Lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm De Castries
70 năm đã trôi qua kể từ Chiến thắng Điện Biên phủ, là thương binh nặng, sinh hoạt khó khăn, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - nguyên Trưởng phòng Phòng 71, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam (sinh năm 1928, sống ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) vẫn nhớ về khoảng thời gian làm cán bộ trinh sát của Đại đoàn 308 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, lúc này ở Điện Biên Phủ, quân ta chuyển chủ trương "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc". Toàn mặt trận xây dựng công sự, hình thành một màng lưới bao vây. Đại đoàn 308 sang Lào, vừa là quét sạch địch sau lưng, vừa là nghi binh. Lúc đó Đại đoàn đang đóng quân ở khe Hồng Lếch - phía Tây Điện Biên Phủ.
Ngày 27/1/1954, Đại đoàn lên đường. Có lẽ bị lộ, địch nã một trận pháo tơi bời vào khe Hồng Lếch. Chiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng bị đại bác của địch bắn vào đầu và sườn, bị thương rất nặng khi chưa mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, sau khi được quân y tích cực chữa trị, ngày 13/3/1954, ông đã có mặt chiến đấu cùng đơn vị, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ...
17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries. Sau đó ít phút, cán bộ trinh sát của Đại đoàn 308 Nguyễn Thanh Tùng đã có mặt ở hầm De Castries để thực hiện nhiệm vụ tìm tài liệu.
Kỷ niệm mà Đại tá Nguyễn Thanh Tùng nhớ nhất, đó là sáng sớm 8/5/1954, trên nóc hầm De Castries, ông đang lục tìm tài liệu, chiến sĩ Trần Mạnh Phấn cầm tiểu liên đứng gác, thì có một phóng viên đến chụp ảnh.
Tháng 10/1954, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, chính là tấm ảnh chụp hai chiến sĩ trinh sát của Đại đoàn 308 Nguyễn Thanh Tùng và Trần Mạnh Phấn hiên ngang trên nóc hầm De Castries và lá cờ Tổ quốc tung bay trong buổi sáng 8/5/1954, khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Anh em cùng góp sức trong Chiến dịch
Một điều khá thú vị mà Đại tá Nguyễn Thanh Tùng vô cùng tự hào, đó là hai anh em ruột cùng góp sức trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh trai ông - chiến sĩ Nguyễn Huy Thuần (sinh năm 1923, ở Trung đoàn 57, Đại đoàn 324) - đơn vị được điều động ra khu vực đồng bằng Bắc Bộ để phối hợp với chiến trường chính trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Anh trai ông cùng đơn vị phối hợp hiệu quả với chiến trường chính, góp phần làm nên Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau thất bại nặng nề tại chiến trường Điện Biên Phủ, thực dân Pháp điên cuồng tổ chức trận càn quy mô lớn đánh vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Anh trai ông - chiến sĩ Nguyễn Huy Thuần đã chiến đấu và hy sinh ở dãy núi Khe Non (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) ngày 21/5/1954.
“Hòa bình lập lại ở miền Bắc, tôi đã tìm về gặp được đồng chí xã đội trưởng - người trực tiếp khâm liệm, chôn cất anh trai. Sau đó, tôi đã đưa con trai đầu của anh về Khe Non nhận mộ bố, cháu đã đưa mộ bố về quê ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Nghĩa trang Khe Non vẫn còn ngôi mộ gió có tên liệt sĩ Nguyễn Huy Thuần” - Đại tá Nguyễn Thanh Tùng kể lại.
Cuối tháng 9/1954, cán bộ trinh sát Nguyễn Thanh Tùng được đơn vị cử về Hà Nội “nằm vùng” nắm tình hình trước ngày tiếp quản Thủ đô. Lực lượng quân đội được Chính phủ giao nhiệm vụ phải giữ được Hà Nội trọn vẹn, yên bình, trong khi lúc đó quân Pháp vẫn đang đóng chốt tại đây.
Khoảng đầu tháng 10/1954, ông Nguyễn Thanh Tùng ra đón Đại đoàn 308, đã tiếp cận đến vùng Mai Lĩnh (huyện Thanh Oai - Hà Đông). Sáng 10/10/1954, ông dẫn đầu một cánh quân của Đại đoàn 308 đi theo đường Hà Đông qua Ngã Tư Sở, vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám rồi đi vào trung tâm Thủ đô Hà Nội. Trong buổi sáng ấy, các cánh quân khác của Đại đoàn 308 cùng tiến vào giải phóng Thủ đô trong tưng bừng cờ hoa và biển người hò reo, vui mừng, phấn khởi.
Sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, ông Nguyễn Thanh Tùng tiếp tục phục vụ việc tiếp quản Thủ đô với cương vị Thư ký cho Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP Hà Nội Vương Thừa Vũ - vốn là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308. Sau vài tháng ổn định tình hình, Đại đoàn 308 rút ra ngoại thành Hà Nội, xây dựng đơn vị ngày càng chính quy, hiện đại, tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô.