Những tình huống dở khóc dở cười
Bà Kiyo Rokutanda - Trưởng ban chính trị, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, người từng học tiếng Việt trong gần 20 năm kể: “Từ năm 1999-2000, tôi là nghiên cứu sinh khoa tiếng Việt, trường ĐH KHXH&NV. Thời gian đó được sống ở ký túc xá cùng các bạn sinh viên Việt Nam, tôi quyết tâm không nói tiếng Nhật để rèn luyện. Một tình huống khó là khi ra tiệm giặt là, tôi muốn nhờ để riêng đồ màu để không bị phai. Nhưng khi tôi phát âm từ “nhuộm” thì không nhân viên nào hiểu.”
Trong khi đó, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới - TS Ngôn ngữ Trần Đoàn Lâm - người từng chủ trì lớp dạy tiếng Việt của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội (HAUFO) dành cho cán bộ ngoại giao và người nước ngoài cũng kể lại một số tình huống “dở khóc dở cười”. Trong tiết học về lễ mời mọc, khi giáo viên hỏi: “Anh muốn uống rượu không?” thì các học viên từ nền văn hóa Hồi giáo (như Iran, Malaysia, Philippines) đều khựng lại đột ngột và lắc đầu lia lịa. Trong khi học viên Iran nói: “Tôi thích phở thịt bò, phở thịt gà nhưng không thích phở thịt heo” – vì thịt heo bị cấm tại các nước Hồi giáo; các học viên người Ấn Độ chia sẻ:“Tôi thích phở gà, phở heo nhưng không thích phở bò”, vì bò là con vật linh được thờ kính ở Ấn Độ theo tín ngưỡng tôn giáo truyền thống. “Sự khác biệt văn hóa cũng khiến việc học tiếng Việt trở nên thú vị”, theo ông Lâm.
Tiếng Việt khó nhưng rất hay
Qua nhiều tiết dạy tiếng Việt cho các nhà ngoại giao, TS Trần Đoàn Lâm đúc kết: “Hệ thống 6 thanh điệu của tiếng Việt cực kỳ khó nắm bắt đối với đôi tai của người nước ngoài. Nhưng các học viên lại thấy rất gợi cảm khi nghe người Việt nói.” Một vị Đại sứ từng kể: “Mặc dù nghe phát thanh viên nói trên tivi tôi không hiểu gì cả nhưng có cảm giác như một con chim đang hót líu lo”, trong khi một nhà ngoại giao khác ví von: “Tiếng Việt như con chim chuyền cành; nó bay từ cành thấp tới cành cao, rồi đột nhiên lại bay sang cành là là. Người Việt nói như hát”, TS Lâm cho biết.
Đây cũng là vấn đề mà bà Bà Kiyo Rokutanda chia sẻ: “Với tôi, tiếng Việt khó bởi từng vùng miền có âm điệu riêng biệt. Ngoài ra, một số âm như “ph”, “nh” trong tiếng Nhật không có, hay người Nhật cũng không phân biệt được cách sử dụng hệ thống thanh điệu. Nhưng nữ cán bộ ngoại giao cũng cho rằng đây là điểm đặc biệt khiến bà yêu thích thứ ngôn ngữ này. “Chính vì có dấu nên tiếng Việt khi đọc lên bổng xuống trầm như bài hát vậy, nhất là đọc thơ thì rất truyền cảm”, bà Rokutanda cho biết.
Cùng cảm nhận đó, ông Mikhail Terskikh – Bí thư thứ ba, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam khẳng định sau hơn 10 năm học tiếng Việt rằng ngôn ngữ này có hệ thống ngữ điệu rất độc đáo. “Sau 4,5 năm sống và làm việc tại Hà Nội, tiếng Việt đã trở thành một phần cuộc sống của tôi. Vợ tôi là người Nga, làm trong ngành ngoại giao và cũng nói tiếng Việt. Chúng tôi sử dụng ngôn ngữ này cả trong công việc cũng như cuộc sống thường nhật”, ông Mikhail Terskikh nói.
Khi văn hóa lan tỏa bằng ngôn ngữ
Tiếng Việt phần nào phản ánh văn hóa mến khách của người dân Việt Nam, mở đầu mỗi bữa cơm họ đều mời khách dùng trước. Trong giao tiếp, người Việt Nam thường hỏi người đối diện về gia đình, công việc để tạo không khí thân thiện, thoải mái. Điều này khá lạ so với văn hóa Nhật Bản vốn ít khi đề cập chuyện riêng khi mới gặp hoặc trong công việc. Điều này khiến tôi cảm nhận được sự coi trọng tình cảm của người Việt. "Câu người Việt Nam cũng rất hay nói là “Không sao đâu” khi có khó khăn xảy ra; thể hiện tinh thần lạc quan, hướng đến tương lai của các bạn", theo bà Rokutanda.
Ngôn ngữ không phải chỉ về thanh âm hay vần điệu mà qua những lớp học tiếng Việt do TS Trần Đoàn Lâm đứng dạy, những câu chuyện văn hóa dần hiện ra. Ông kể, có lần đi thăm một ngôi chùa trong chương trình hoạt động ngoại khóa của lớp học. Khi nhà chùa thết bữa cơm chay thì các học viên lại hỏi: “Theo phong tục phương Tây, người ta hay chúc nhau khi ăn: Chúc ăn ngon, còn người Việt nói gì?”. Ông liền trả lời: “Người Việt nói: “Xin mời các bạn”, chứ không chúc ăn ngon”.
Theo TS Trần Đoàn Lâm, tiếng Việt cũng đang có xu hướng tiếp nhận nhiều cách nói của nước ngoài, nhất là tiếng Anh. Qá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa này giúp dần hình thành nên một phương án tiếng Việt “quốc tế hóa”… Học viên nước ngoài dễ dàng tiếp thu và sử dụng cách nói “Xin chào!” (Thay cho “Chào ông”, “Chào bà”…) hay “Tạm biệt” (Thay cho “Tôi về nhé!”, “Chào chị nhé”… của người Việt). Quá trình học tiếng Việt của các nhà ngoại giao vì thế đã trở thành cơ hội để họ hiểu thêm về ta và ta cũng thêm phần “hội nhập”.