Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện khởi nghiệp của tỷ phú hoa ly

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ chối vào làm ở cơ quan Nhà nước để về quê gây dựng mô hình trồng hoa ly với vốn kiến thức chỉ là con số 0, đó là câu chuyện khởi nghiệp đầy chông gai của Bùi Tuấn Hải (SN 1981), thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng.

Đến nay, sau 7 năm khởi nghiệp, anh Hải đã trở thành tỷ phú hoa ly lừng danh trên mảnh đất “ba đảm đang”. 
Liều lĩnh

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại 8 mẫu (80 sào Bắc Bộ) trồng hoa ly, anh Hải tâm sự, đến bây giờ khi nghĩ lại hành trình khởi nghiệp, anh vẫn cho rằng mình là người liều lĩnh. “Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng với những người trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng tôi luôn suy nghĩ nếu có đam mê, quyết tâm, kiên trì theo đuổi, tự rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại rồi thành công sẽ đến” - anh Hải chia sẻ.

Năm 2010, một người em của anh Hải bắt được mối quen với chủ hoa người Đà Lạt. Họ đặt vấn đề muốn anh cùng đầu tư vào một dự án trồng hoa ly với mức vốn tham gia khoảng 500 triệu đồng. Mặc dù kỹ thuật trồng hoa ly với Bùi Tuấn Hải khi đó là con số 0 bởi đây là loài hoa cao cấp, đòi hỏi đầu tư lớn, khả năng gặp thất bại không nhỏ, song anh vẫn liều mình đầu tư.

Tỷ phú hoa ly Bùi Tuấn Hải chăm sóc hoa tại trang trại của gia đình. Ảnh: Trần Thảo

Có hoa rồi, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cũng là một vấn đề lớn. Những ngày đầu vất vả, cùng với đội ngũ nhân công thuê mướn, anh Hải xắn tay vào vườn làm nông dân thực sự. May mắn năm ấy, hoa ly bán đúng vào dịp Tết nên anh thu được lợi nhuận “khủng”, hơn 200 triệu đồng. Thành công ban đầu giúp anh có thêm niềm tin, động lực để mở rộng diện tích trồng hoa. Sang năm 2011, với vốn kiến thức và kỹ thuật học được, anh Hải cùng người em quyết định tách riêng để đầu tư 1,8 mẫu hoa ly với mức vốn hơn 1 tỷ đồng. Nhưng do thời tiết thất thường, cộng với kinh nghiệm còn non nên áp dụng vào thực tế có sự vênh nhau, hoa bị hỏng nhiều, kém năng suất khiến hai anh em chịu lỗ hơn 200 triệu đồng tiền vốn.

Trái ngọt

Không nản lòng, rút kinh nghiệm từ thất bại, năm 2012, Bùi Tuấn Hải tiếp tục dốc tiền đầu tư trồng hoa ly. Nhờ làm cẩn thận, đầu tư công sức nhiều vào hoa nên anh thu lãi được gần 1 tỷ đồng. Khi đã giắt lưng được số vốn kha khá, anh Hải đã tách hẳn ra làm một mình, đầu tư mua hơn 20 vạn củ giống hoa ly loại tốt nhất nhập từ các nước Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển… và ngay trong dịp Tết thu lãi trên 1 tỷ đồng. “Năm 2016, khi làng hoa Tây Tựu, Mê Linh… lâm vào cảnh khốn đốn do trời nắng, khiến hoa Tết nở sớm. Tuy nhiên, do có kinh nghiệm nhiều năm, tôi chia củ giống thành nhiều đợt, trồng theo kiểu gối vụ nên 2/3 diện tích hoa của gia đình tôi nở sau Tết, cho thu nhập rất cao” - anh Hải hồ hởi nói.

Thấm thoắt, đến nay, Bùi Tuấn Hải đã có 7 năm kinh nghiệm làm hoa ly với diện tích canh tác lên tới hơn 8 mẫu, cho tổng thu nhập cả tỷ đồng/năm. Trang trại của anh còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, trở thành mô hình điểm được địa phương lựa chọn tham quan và học tập kinh nghiệm nhiều năm liền. Chia sẻ về thành công của mình, anh Hải đúc kết: “Yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng hoa là củ giống. Củ giống có tốt thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với đó, để hoa nở đúng vào thời gian đã ấn định thì là yếu tố kỹ thuật cũng cần được chú trọng”.

Giờ đây, khi đặt chân đến xã Song Phượng, hỏi về "tỷ phú hoa ly" không ai không biết đến anh Bùi Tuấn Hải. Nhờ bén duyên với hoa ly, ngoài việc phát triển kinh tế của gia đình, anh còn giúp đỡ những người có mong muốn làm giàu từ hoa ly. Với tâm niệm làm giàu trên chính đồng đất quê hương là điều mong mỏi lớn nhất nên anh luôn có thiện chí truyền đạt kinh nghiệm của mình cho nhiều người khác để cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.