Chuyển mạng giữ số: Sẽ có thay đổi về thị phần?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng 9 vừa qua, 3 nhà mạng MobiFone, Viettel và Vinaphone đã triển khai thí điểm kỹ thuật dịch vụ chuyển mạng giữ số, qua đó cho phép người dùng chuyển đổi giữa các nhà mạng nhưng được giữ nguyên số thuê bao cũ. Dự kiến, dịch vụ này sẽ được triển khai từ 1/1/2018.

Người dùng được lợi
Chuyển mạng giữ số hiện đang là xu thế phổ biến của thị trường viễn thông. Ngay từ đầu những năm 2000, các nước như Mỹ, Australia và một số quốc gia thuộc khu vực châu Âu đã cung cấp dịch vụ này. Hiện, dịch vụ chuyển mạng giữ số đã được áp dụng tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới, riêng tại khu vực Đông Nam Á đã có Thái Lan, Malaysia, Lào áp dụng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, dịch vụ chuyển mạng giữ số sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực cho thị trường viễn thông Việt Nam, trong đó người dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi. Dịch vụ này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của các nhà mạng, thúc đẩy việc cải thiện chất lượng, đưa ra các tính năng mới, chú trọng hơn tới chăm sóc người dùng.

Sẽ là cuộc đua giữa các nhà mạng khi dịch vụ chuyển mạng giữ số sẽ được áp dụng từ 1/1/2018. Ảnh: Hà Thanh

Người dùng có thể dễ dàng lựa chọn nhà mạng phù hợp với yêu cầu của mình mà không phải thay đổi số điện thoại như trước đây. Việc chuyển mạng giữ số là giải pháp duy nhất để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng mà không phải thay đổi số di động. Cùng với đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam. Dịch vụ này là tiền đề cho xu hướng cá nhân hóa số điện thoại, gắn kết một người với một số điện thoại nhất định, từ đó tạo nền tảng để phát triển cho các dịch vụ thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến... Chính việc cá nhân hóa này cũng giảm tải đáng kể cho kho số di động hiện đang dần cạn kiệt.
Tận dụng cơ hội
Hiện có 4/5 nhà mạng của Việt Nam đã cam kết triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số gồm: MobiFone, Viettel, Vinaphone và Vietnammobile. Việc cho phép giữ nguyên số khi chuyển mạng sẽ tạo cơ hội cho nhà mạng có dịch vụ tốt hơn "thâu tóm" người dùng. Tuy nhiên, nhà mạng nào tận dụng được cơ hội này cũng là điều không dễ để xác định chính xác.
Nếu xét về cơ sở hạ tầng, không khó để nhận ra Viettel đang là nhà mạng có ưu thế lớn nhất với vùng phủ sóng di động rộng, mạng 3G gần như bao phủ toàn quốc, đang dẫn đầu trong cuộc đua phủ sóng 4G. Không chỉ vậy, Viettel luôn vượt trội hơn các nhà mạng khác về việc phát triển khách hàng mới cũng như thu hút khách hàng của đối thủ. Đối với Vinaphone, lợi thế rõ ràng nhất của nhà mạng này có lẽ là lượng khách hàng trung thành khi là đơn vị cung cấp dịch vụ di động lâu đời nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng phải dùng chung với "người anh em" MobiFone nên độ phủ sóng của Vinaphone khó có thể so sánh với Viettel và đây cũng là bất lợi của nhà mạng này.
MobiFone là nhà mạng có tốc độ phát triển thuê bao kém nhất khi so với Viettel và Vinaphone. Được biết, trong giai đoạn 2013 - 2016, trong 3 nhà mạng hàng đầu Việt Nam, chỉ duy nhất MobiFone là có thị phần giảm từ mức chiếm 31,78% thị phần xuống còn 26,1%. Không những thế, vùng phủ sóng của MobiFone cũng kém xa so với 2 nhà mạng trên. Còn Vietnamobile - chỉ chiếm 2,9% thị phần viễn thông trong năm 2016, cơ hội trong thời gian tới là có mặc dù rất nhỏ. Không bị giới hạn các chương trình khuyến mãi như các nhà mạng lớn, giá cước internet rẻ nhất là các lợi thế gần như duy nhất của nhà mạng này có thể dễ dàng thu hút người dùng là học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp.
Sau khi dịch vụ chuyển mạng giữ số được chính thức áp dụng, các nhà mạng cần phát triển về hướng nội dung nhằm giữ chân thuê bao cũ cũng như lôi kéo thuê bao mới. Cần tránh cách giảm giá để cạnh tranh, bởi điều này đồng nghĩa với việc tự hại chính mình cũng như làm méo mó thị trường viễn thông.

 Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử
Nguyễn Thanh Lâm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần