Chuyện nào ra chuyện nấy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên họp thường niên vừa qua của Hội đồng hợp tác Nato - Nga cho thấy, tình trạng quan hệ chẳng suôn sẻ gì giữa EU và Nga ảnh hưởng tiêu cực đến sự hợp tác giữa Nato và Nga.

Tại phiên họp này, chuyện xảy ra ở Ukraine và liên quan đến việc Ukraine chưa chịu sẵn sàng ký với EU hiệp ước hợp tác liên kết và mậu dịch tự do không nằm trên chương trình nghị sự và về cơ bản không gây tranh cãi giữa Nato và Nga.

Chuyện nào ra chuyện nấy như thế đương nhiên phù hợp với chủ ý và lợi ích của Nga. Càng tách biệt được quan hệ giữa EU và Nga với quan hệ giữa Nato và Nga thì càng có lợi cho Nga bởi như thế giúp Nga có nhiều con chủ bài và dùng khuôn khổ quan hệ này làm đối trọng với khuôn khổ quan hệ kia. Liên quan đến Ukraine, điều đó đối với Nga thậm chí còn đặc biệt quan trọng bởi Nga tranh thủ và lôi kéo Ukraine chẳng kém vì EU và Nato. Ở đây, cả ba đều "lòng vả cũng như lòng sung".

Nato thật ra hiện chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cũng phải như thế. Khác với một số nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây ở khu vực xung quanh Nga hiện tại, Ukraine không có ý muốn tham gia Nato trong khi nếu thu nạp được Ukraine thì Nato thậm chí còn được lợi nhiều hơn cả EU trong quan hệ với Nga. Nato không thể đổ lỗi cho Nga ngăn cản việc Ukraine nhích lại gần Nato như EU. Cho nên ở phiên họp này, Nato chỉ có thể ra tuyên bố chung chung thể hiện thái độ về biến động chính trị xã hội đang diễn ra ở Ukraine chứ không phê phán đích danh Nga.

Một lý do khác không kém phần quan trọng là Nato nhận thức được sự cần thiết phải hợp tác với Nga để giải quyết nhiều vấn đề chính trị an ninh thời sự của thế giới như chống khủng bố hay cướp biển, chống buôn bán ma tuý hay bảo vệ môi trường, và đặc biệt vấn đề hạt nhân của Iran và tình hình Syria.