Chuyện nghề của “ông hoàng tranh tem

Bài, ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới bưu chính vẫn thường bảo, nghề tem quá đỗi công phu, nên ai không yêu sẽ chẳng thể bám trụ với nghề. Ấy thế mà, hơn 30 năm qua, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn chẳng những dày công vẽ hàng trăm mẫu tem, mà còn cần mẫn ghép hàng ngàn bức tranh tem, trong đó có hơn 500 tác phẩm đề tài về Bác Hồ. Người ta yêu mến gọi ông là “Tuấn Tem” hay “ông hoàng tranh tem”.rn

Mỗi con tem mang một số phận

Họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn (SN 1955), người Hà Nội gốc. Thuở thiếu thời, cậu bé Lệnh Tuấn đã có thói quen quan sát kỹ từng con ngõ, góc phố, cảnh đẹp của Hà Thành rồi vẽ lại. Thấy vậy, bố mẹ quyết định cho cậu theo học vẽ ở trung tâm văn hóa. Từ đó, chiếc cọ vẽ luôn là hành trang của Lệnh Tuấn. Năm 1981, tốt nghiệp chuyên ngành tạo dáng, Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội với tấm bằng loại ưu, nhưng vì không ít lý do, chàng họa sĩ trẻ định bỏ nghề. “Thật may, trong lúc đang chới với, tôi được tiếp nhận vào nhóm vẽ Tem Bưu chính của Công ty Tem mới thành lập. Và định mệnh đã gắn tôi với con tem từ đó” - họa sĩ hồi tưởng.
 Dù đã ở tuổi 61 nhưng họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn vẫn miệt mài ghép tranh tem Bác Hồ.
Vui sướng vì được làm nghề, Lệnh Tuấn dồn hết tài năng, nhiệt huyết cho công việc. Rồi, anh yêu, say mê vẽ tem từ lúc nào không hay.

Nghệ thuật không có điểm dừng

Họa sĩ Lệnh Tuấn quan niệm: “Nghệ thuật không có điểm dừng, người sáng tác phấn đấu bao nhiêu cũng chưa đủ”. Thế nên, ông vẫn đi nhiều, đọc nhiều, để có ý tưởng cho những bộ tem. Có lẽ vì thế họa sĩ “Tuấn Tem” đã thành công ở tất cả các mảng đề tài. Đặc biệt, các nhân vật, lịch sử Việt Nam được “sống lại” trên các bộ Tem: Kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1995); 400 năm Phú Yên; 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 100 năm sinh Tôn Thất Tùng;...

Trong đó, đề tài chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông đầu tư tâm sức nhiều nhất với hơn 10 mẫu (6 mẫu được duyệt phát hành chính thức). Với họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn, việc thiết kế, sáng tác mẫu tem mang hình ảnh Bác không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm say mê. Không chỉ vẽ, họa sĩ Lệnh Tuấn còn là người đầu tiên và gần như duy nhất ghép thành công tranh Bác Hồ. “Mỗi lần vẽ tem hay ghép tranh Bác, tôi đều thực hiện với tất cả niềm kính yêu và biết ơn sâu sắc nhất” – họa sĩ Lệnh Tuấn bộc bạch. Gần 20 năm ghép tranh tem Bác Hồ, đến nay, hơn 500 tác phẩm của ông đã chu du khắp cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Và giờ, những đơn đặt hàng làm tranh tem Bác Hồ vẫn không ngớt.

Theo ông, ghép tranh trải qua nhiều khâu. Tất cả đều tỉ mỉ nên phải mất từ 10 ngày đến cả tháng mới hoàn thành một bức. Tranh nhỏ cần vài trăm, khổ to phải dùng hàng ngàn chiếc tem. Nhưng, vẽ tranh về Bác đã khó làm tranh tem lại càng khó hơn vì phải phối màu từ những chiếc tem có sẵn. “Khó thể hiện nhất là đôi mắt và vầng trán của Bác. Tôi phải cố hết sức để nổi lên được từng nếp nhăn, đường gân, thớ cơ, từ đó làm toát lên phong thái, cốt cách giản dị, thanh cao của Người” - họa sĩ Lệnh Tuấn cho hay.

Nhận xét về ông, họa sĩ Nguyễn Du chia sẻ: “Đời thường, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn sôi nổi, năng động. Trong hội họa thì chân chất, giản dị, chịu khó đi thực tế, đọc nhiều sách báo, lắng nghe, ghi chép, chụp ảnh... Còn nhớ, lần thiết kế tem Yersin, anh vào tận Nha Trang, gặp bác sĩ, danh y cao tuổi, đến tận Bảo tàng tỉnh, đọc tài liệu, chụp ảnh chân dung Yersin và bút tích chữ ký của ông”. 30 năm mê tem hơn tất thảy mọi thứ trên đời, nên dù đã ở tuổi 61, tay đã yếu và mắt không còn tinh anh như trước, nhưng, họa sĩ Lệnh Tuấn vẫn thường xuyên thức trắng đêm để hoàn thiện tranh Bác Hồ. Những lao động không mỏi mệt đó của họa sĩ Lệnh Tuấn khiến không chỉ giới làm nghề mà công chúng khâm phục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần