Từ chuyện CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng đến việc CĐV Than Quảng Ninh đòi tẩy chay giải đấu đòi hỏi phải có sự quản lý “cầu thủ thứ 12” của đội bóng. Không thể phạt “kẻ trọc đầu” Cách đây không lâu, Ban tổ chức (BTC) sân Hàng Đẫy đã cay đắng nộp phạt 15 triệu đồng vì để CĐV đội khách Hải Phòng… đốt pháo sáng. Cái lỗi của sân Hàng Đẫy và CLB Hà Nội T&T là không kiểm soát được tình hình. Dù không hài lòng với quyết định này nhưng Hà Nội T&T vẫn phải nộp phạt, bởi họ là những "người có tóc" chứ không phải là một tổ chức đến nay vẫn chưa chính danh là Hội CĐV Hải Phòng. Cách đây không lâu, Ban lãnh đạo đội Hải Phòng đã đăng đàn tuyên bố: "Chúng tôi chưa có Hội CĐV chính thức. Mọi tổ chức lấy tên là Hội CĐV Hải Phòng đều là mạo danh". Sở dĩ Hải Phòng phải lên tiếng tố "người nhà" bởi thời gian gần đây, Hội CĐV của đội bóng này đã hiện diện với tần suất dày đặc, mặc dù chưa nhận được sự phê chuẩn của các cơ quan quản lý. Họ sợ rằng, nếu không công khai việc Hội CĐV đang bị mạo danh thì đến một lúc nào đó, đội bóng sẽ bị quy trách nhiệm bởi những hành động quá khích trên khán đài.
Và khi mà Hải Phòng không thừa nhận Hội CĐV thì Hà Nội T&T nhận quả đắng do họ không đảm bảo được trật tự trên khán đài, để tình trạng đốt pháo sáng xảy ra. Thực ra, rất khó để ngăn chặn pháo sáng và đội bóng nào “đen” thì đành phải chấp nhận. Vậy nên, Ban lãnh đạo đội FLC Thanh Hóa đang ngồi trên đống lửa khi cuối tuần này, họ sẽ phải tiếp đón khoảng 5.000 CĐV Hải Phòng vốn có sở thích là đốt pháo sáng trên sân khách. Phải chính danh Các đội bóng một khi không có đủ khả năng kiểm soát CĐV thì thường chọn cách là "đứng xa và nhìn". Họ không tiến hành thành lập Hội CĐV, để hoạt động cổ vũ diễn ra một cách tự phát nhằm khỏi bị quy trách nhiệm. Thế mới có chuyện tại Hải Phòng có đến cả chục Hội CĐV và từng đó ông chủ tịch. Các đội bóng không thích "mua dây buộc mình", bởi việc thành lập Hội CĐV đã khó, duy trì, định hướng hoạt động còn bội phần khó khăn. Nếu không khéo, Hội CĐV sẽ đi sai định hướng và đội bóng sẽ phải trả giá. Nhưng, nếu tiếp tục để các Hội CĐV hoạt động một cách tự phát, không chuyên nghiệp thì đội bóng nói chung và làng bóng đá nói riêng sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội. Đầu tiên là việc các đội bóng mất đi sự ủng hộ từ Hội CĐV. Hơn thế nữa, nếu có được một Hội CĐV chuyên nghiệp thì chính các đội bóng sẽ được hưởng lợi. Họ có thể phát triển kinh doanh, tạo ra giá trị thặng dư cho bóng đá nếu biết cách khai thác sự hùng hậu của lực lượng CĐV. Hơn thế nữa, khi quy các CĐV về một mối thì sự kiểm soát đối với những hành động quá khích sẽ tốt hơn. Tất nhiên, đây là việc làm cần sự đầu tư về cả thời gian, trí tuệ và vật chất từ các đội bóng. Và chắc chắn một điều, để có được những Hội CĐV chuyên nghiệp thì không còn cách nào khác, họ phải chính danh và hoạt động một cách chuyên nghiệp, đúng luật.
CĐV Than Quảng Ninh |