Chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nhờ tham gia chuỗi liên kết

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhờ phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, hoạt động sản xuất của Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Yên Hòa Phú (Đông Yên, Quốc Oai) đã chuyên nghiệp, bài bản hơn. Qua đó giúp các thành viên có thu nhập khá và ổn định.

 HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú
HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú được thành lập từ cuối năm 2016. Hiện HTX có 36 hội viên, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường 90 tấn gà thương phẩm và khoảng 2 triệu quả trứng. Hoạt động sản xuất của HTX chia thành 2 chuỗi bao gồm, chuỗi gà thương phẩm và chuỗi gà đẻ trứng. Ngoài bán gà thịt thương phẩm, trứng gà, HTX Yên Hòa Phú còn xuất ra thị trường sản phẩm gà thịt hút chân không. Đặc biệt, tại HTX đang chăn nuôi 2 giống gà đặc sản là gà đen Hơ Mông và gà ri lai Mía. Sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường, nổi bật với nhiều ưu điểm như thịt chắc, thơm và có vị ngọt đặc trưng. Giá bán của 2 loại gà này luôn cao hơn thị trường từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng. Xã Đông Yên cũng đã đăng ký xây dựng 3 sản phẩm tiềm năng OCOP của TP gồm gà đen Hơ Mông, gà ri lai Mía, trứng gà đen Hơ Mông. Thu nhập bình quân của các thành viên HTX là 6,5 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch HĐQT HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú Lê Đình Bình cho biết: HTX có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ tham gia vào chuỗi liên kết. Theo đó, năm 2019, HTX được TP Hà Nội lựa chọn tham gia Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau khi tham gia vào chuỗi, hoạt động sản xuất của các thành viên được chuyên nghiệp hóa. Nếu như trước đây người dân chỉ sản xuất tự phát, chăn nuôi theo tập quán thì nay quá trình sản xuất có nhật ký ghi chép đầy đủ, có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng. Các thành viên HTX được phân vai cụ thể. Trong đó có tổ kỹ thuật, tổ kinh doanh, tổ kiểm soát, hạch toán. Do đó, đầu ra sản phẩm luôn hài hòa với sản xuất.
Ngoài ra, dự án đã giúp HTX kết nối với các DN có uy tín về cung ứng, tiêu thụ thực phẩm an toàn. Người nông dân còn được tham gia các hội chợ, trưng bày sản phẩm. Định hướng hoạt động mua chung, bán chung, nhằm hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động với các tổ chức, vùng chăn nuôi có thương hiệu, uy tín. “Toàn bộ sản phẩm được HTX bao tiêu đầu ra, nên người nông dân ngoài yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, tham gia vào chuỗi, người dân còn được nâng cao nhận thức về thực phẩm an toàn, từng bước tăng sản lượng và giá trị sản phẩm gà đồi Đông Yên” – ông Bình bày tỏ.
Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng về lao động, môi trường để mở rộng hợp tác và hoàn chỉnh chuỗi liên kết ổn định. Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất theo hướng an toàn sinh học và hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ uuy tín thương hiệu, nhãn hiệu gà đồi Đông Yên.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Bình, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng sản phẩm của HTX bị đứt gãy. Đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến hoạt động sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, các thành viên HTX chủ động giảm 70% đàn gà đẻ trứng, 50% đàn gà thịt. Thời điểm hiện tại, người dân đang thiếu vốn để tái sản xuất. Do đó, HTX kiến nghị TP hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần