Chuyên nghiệp hóa công tác phát ngôn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 23/6, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo đánh giá, sau 5 năm thực hiện Quy chế phát ngôn và 4 năm thực hiện Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí, đến nay, tại nhiều cơ quan, người phát ngôn đã thực sự phát huy vai trò, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ hoặc khi có sự kiện đột xuất, bất thường. Nhiều bộ, ngành, địa phương người phát ngôn có kỹ năng, nghiệp vụ tổng hợp thông tin báo chí, chủ động cung cấp các thông tin có giá trị, kịp thời , nhanh chóng, là cầu nối giữa các cơ quan hành chính và cơ quan báo chí và từ báo chí đến với nhân dân. Hiện 30 bộ, ngành và 63 địa phương có người phát ngôn chính thức.

Tuy nhiên, bên cạnh các bộ, ngành địa phương làm tốt công tác này, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện quy chế phát ngôn, thậm chí làm theo kiểu hình thức. Không ít nơi người phát ngôn kiêm nhiệm, thiếu tính chuyên nghiệp, không hiểu, nắm vững tình hình của cơ quan, đơn vị nên dẫn đến việc phát ngôn thiếu thông tin chuẩn xác hoặc chung chung, đại khái...

Khẳng định việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là cần thiết để đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân và của báo chí, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí cũng cho rằng, Quy chế đã bảo đảm công khai, minh bạch hóa thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước và những người có trách nhiệm. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để báo chí được tiếp cận với thông tin chính thống đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, xã hội.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung Quy chế về chế độ cho người phát ngôn, bộ phận giúp việc; quy định chế tài cụ thể đối với người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương cần chuyên nghiệp hóa công tác này, bố trí người phát ngôn có năng lực, nghiệp vụ, hiểu về hoạt động báo chí để nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng các cuộc họp báo. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần cập nhật thường xuyên thông tin trên webstite của đơn vị để tạo điều kiện cho việc khai thác, tìm hiểu thông tin …

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần