Chuyên nghiệp hóa đội ngũ trợ giúp pháp lý

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến lược Cải cách tư pháp đã đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ các chức danh tư pháp phải nâng cao một bước về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp để giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác các vụ việc, bảo đảm quyền dân chủ của công dân.

Một trong những mục tiêu đó là chuyên nghiệp hóa đội ngũ người thực hiện Trợ giúp pháp lý.

Ngày càng phát triển

Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, toàn quốc có 572 Trợ giúp viên pháp lý. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, đóng vai trò chủ chốt ở các địa bàn khó khăn nơi số lượng luật sư chậm phát triển. Trong năm 2015, số vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ việc tham gia tố tụng của Trung tâm TGPL Nhà nước. Năm 2015, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 79.201 vụ việc tư vấn pháp luật, 4.838 vụ việc tham gia tố tụng, 245 vụ việc đại diện ngoài tố tụng, 66 vụ việc hòa giải và 131 vụ việc TGPL theo các hình thức khác.
Các luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động cho Nhân dân phường Vĩnh Tuy. Ảnh: Hồng Thái
Các luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động cho Nhân dân phường Vĩnh Tuy. Ảnh: Hồng Thái
Luật sư cộng tác viên (1.080 người) chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số luật sư cả nước (khoảng 10.000 luật sư), phân bổ không đồng đều giữa các địa phương, đảm nhiệm phần lớn việc TGPL tham gia tố tụng nhưng có xu hướng giảm về số lượng, chất lượng ít được cải thiện. Theo tổng kết 8 năm thi hành Luật TGPL 2006 thì từ năm 2007 - 2014 luật sư cộng tác viên thực hiện được 37.673 vụ việc tham gia tố tụng. Năm 2015 đội ngũ này thực hiện được 4.773 vụ việc. Cộng tác viên khác có số lượng lớn (hơn 9.000 người), chiếm tỷ lệ áp đảo, được tổ chức rộng khắp ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, thực hiện TGPL chủ yếu bằng hình thức tư vấn pháp luật, hòa giải và phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua TGPL lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL ở cơ sở. Theo tổng kết 8 năm thi hành Luật TGPL 2006 thì từ năm 2007 - 2014 đội ngũ cộng tác viên khác thực hiện được 355.894 vụ việc tư vấn pháp luật. Năm 2015 đội ngũ này thực hiện được 35.551 vụ việc tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, phần lớn là các vụ việc tư vấn đơn giản, không lập thành hồ sơ vụ việc.

Nâng cao chất lượng, giảm tải áp lực công việc

Điều 27 Luật TGPL 2006 đã quy định các hình thức TGPL, tuy nhiên, với quy định về người thực hiện TGPL cũng còn nhiều bất cập, trong đó có sự chênh lệch về tiêu chuẩn, điều kiện giữa người thực hiện TGPL là Trợ giúp viên pháp lý, luật sư trong việc tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và các hình thức TGPL khác. Đối với hình thức tư vấn pháp luật còn có sự chênh lệch giữa luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên TGPL khác nên chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn của đội ngũ người thực hiện TGPL để cung cấp dịch vụ pháp lý kịp thời, có chất lượng cho người được TGPL, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ người thực hiện TGPL chuyên nghiệp, độc lập, bị kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cung cấp dịch vụ TGPL; đa dạng hóa phương thức huy động luật sư, tư vấn viên pháp luật có nguyện vọng, đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật TGPL (sửa đổi) tham gia thực hiện TGPL. Cụ thể, ngoài người thực hiện TGPL là Trợ giúp viên pháp lý và luật sư. Quy định tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý tương đương với luật sư. Luật sư thực hiện TGPL theo 2 phương thức: Thứ nhất, theo hợp đồng giữa cơ quan quản lý TGPL với tổ chức tham gia TGPL. Thứ hai, theo hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm thì phương án bổ sung thêm tư vấn viên pháp luật được đánh giá sẽ huy động được đội ngũ tư vấn viên pháp luật thực hiện TGPL, góp phần giảm tải khối lượng công việc cho Trợ giúp viên pháp lý, giúp đội ngũ này có thời gian tập trung thực hiện vụ việc tham gia tố tụng. Hiện, dự thảo sửa đổi Luật TGPL đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần