Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên nghiệp hóa từ thiện

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ gây tranh cãi trong dư luận khi đứng ra quyên góp từ thiện và chưa công khai, kê biên khiến dư luận hoài nghi.

Những băn khoăn của dư luận không hẳn không có căn cứ, khi mà nhiều hoạt động từ thiện của nghệ sĩ còn mang tư duy cảm tính, chưa khoa học. Chuyên nghiệp hóa các hoạt động từ thiện là vấn đề đặt ra trong thời gian tới.
Việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ đồng bào vượt qua khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hoạn nạn là nghĩa cử rất cao đẹp, mang tính nhân văn. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đóng góp này. Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng, nên việc kêu gọi từ thiện của họ trong thời gian ngắn đã đạt được hiệu quả cao. Hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng ủng hộ bà con bị ảnh hưởng do các trận lũ lịch sử ở miền Trung, hoặc những khu vực khó khăn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, ngoài việc chưa kịp thời sao kê công khai đối tượng được nhận, thì tình trạng hỗ trợ chậm, muộn cũng đã xảy ra.

Việc tiếp nhận và vận động, phân phối việc sử dụng nguồn đóng góp từ thiện được pháp luật quy định rõ ràng tại Nghị định 64/2008 của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo quy định nêu trên, việc vận động, tiếp nhận phân bổ sử dụng tiền, hàng, phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, minh bạch, công khai. Pháp luật nghiêm cấm hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi; nghiêm cấm việc gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng của tổ chức, cá nhân quyên góp.

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cũng đã khẳng định khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến nay, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chưa nhận được tố cáo nào về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ từ thiện. Trong khi đó, công an của các địa phương cũng chưa có báo cáo tập hợp. Chính vì vậy, tất cả những lời tố cáo, lùm xùm trên mạng vẫn chỉ là lời đồn chưa có căn cứ. Thế nhưng, dư luận đã vội vàng ném đá, lăng mạ nghệ sĩ ăn chặn, khuất tất tiền từ thiện.

Bộ VHTT&DL đang soạn thảo bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ. Bộ quy tắc dự kiến yêu cầu nghệ sĩ cần tôn trọng, thể hiện thái độ và việc làm đúng mực, không lợi dụng sự nổi tiếng, danh nghĩa nghệ sĩ để trục lợi cá nhân. Các chuyên gia cho rằng đề công khai minh bạch khi nghệ sĩ làm từ thiện là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh bộ quy tắc, cần có những văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể chi tiết các hoạt động từ thiện. Công khai về thu chi, thời hạn thực hiện, quyết toán, kiểm toán. Quản lý Nhà nước cần có quy chuẩn rõ ràng, chặt chẽ về vấn đề này thì việc định hướng trong quy tắc ứng xử nghệ sĩ mới có khả thi.

Sau những lùm xùm, mấy ngày nay, các nghệ sĩ đã liên tục công khai hàng nghìn trang kê biên từ thiện. Những người làm hoạt động từ thiện bằng tấm lòng sẽ cảm thấy tổn thương vì những ứng xử kém văn minh của khán giả trên mạng xã hội. Tuy nhiên, từ các sự vụ này cũng cần nhìn nhận hoạt động từ thiện không thể hành động theo trái tim và cảm xúc. Bởi vì, quản trị số tiền tỷ, thậm chí là hàng trăm tỉ đối với một DN còn nhiều vấn đề vướng mắc cần giải quyết, nữa là nghệ sĩ. Những nhân viên tài chính chuyên nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động này là cần thiết để minh bạch và tạo niềm tin cho các tấm lòng ủng hộ, cũng là để công tác từ thiện ngày càng đi vào quy củ và đúng luật.