Bất ngờ ở chỗ, lẽ ra suất dự đấu trường châu lục của HN.T&T thuộc về Hải Phòng nhưng do điều kiện sân bãi không đảm bảo nên đội bóng đất Cảng đành ngậm ngùi nhường lại cho HN.T&T. Thông tin từ AFC khiến nhiều người bất ngờ, bởi Hải Phòng trước nay được mệnh danh là đại gia của V - League. Đội bóng này cũng đi đầu trong cuộc chiến… chi tiền ở sân chơi chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay cả khi đã giành Cúp quốc gia, đội bóng này vẫn không thể đại diện cho bóng đá Việt Nam tham dự đấu trường lớn do không đáp ứng được yêu cầu từ AFC. Thực ra thì việc các đội bóng không đáp ứng tiêu chí về điều kiện tổ chức không còn là chuyện mới. Nhiều lần, VPF đã cho thành lập đoàn kiểm tra về sân bãi tại các đội bóng nhưng cuối cùng, vì thành công của giải đấu, người ta vẫn phải chấp nhận những giải pháp mang tính xuê xoa. Thế mới có chuyện, dù đã chi cả tỷ tiền thưởng mỗi trận đấu nhưng các CLB lại tỏ ra tiết kiệm với việc chi vài trăm triệu đồng xây hệ thống nhà vệ sinh phục vụ khán giả đến sân xem bóng đá hay nâng cấp mặt cỏ nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn. Mấy năm qua, phải rất nhiều lần ra tối hậu thư, động viên có, cảnh báo bị loại khỏi giải có thì các đội bóng mới hoàn thành việc lắp dàn đèn để thi đấu vào buổi tối. Giờ, VFF đang yêu cầu các đội bóng lắp ghế trên khán đài và nâng cao chất lượng mặt cỏ. Thế nhưng, từ mong muốn đến hiện thực là cả một khoảng cách rất dài và không biết đến bao giờ mới hoàn thành. Có điều, AFC thì không duy tình, châm chước như VPF và họ cứ chiểu theo quy định mà làm. Từ sự việc liên quan đến đội bóng Hải Phòng, dư luận cho rằng, đã đến lúc bóng đá nước nhà phải có sự hoạch định lại chính sách phát triển. Nếu không quyết tâm xây dựng hệ thống chuyên nghiệp bằng một thái độ chuyên nghiệp thì rất khó để bóng đá nước nhà vươn khơi. Vậy nên, hãy coi sự cố với Hải Phòng là bài học. Nhưng, để thuộc bài thì đòi hỏi người trong cuộc bên cạnh tầm nhìn, phải có được sự tự ái vì mình đang đi ngược với bóng đá chuyên nghiệp.