Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên nghiệp vẫn “sống khỏe”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có hơn 50% sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP đã đóng cửa, chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh do thiếu nền tảng chuyên sâu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường BĐS "đóng băng" kéo dài, những sàn hoạt động chuyên nghiệp vẫn "sống khỏe", thậm chí còn mở rộng quy mô và tăng nhân lực.

Thị trường đóng băng, sàn đóng cửa

Giai đoạn 2009 - 2010, khi thị trường BĐS Hà Nội lên "cơn sốt", các sàn giao dịch, trung tâm môi giới BĐS mọc lên như nấm. Nhất là dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa - Nhân Chính, Khuất Duy Tiến, QL32...

Các sàn san sát nhau, với hàng chục, hàng trăm khách ra vào tìm hiểu thông tin, giao dịch mỗi ngày. Có người chỉ cần chăng biển văn phòng, thêm cái bàn, dăm chén uống nước cũng có thể trở thành nơi mua - bán nhà đất.
 
Chuyên nghiệp vẫn “sống khỏe” - Ảnh 1
 
Cung cấp, giới thiệu thông tin chính xác của dự án tới khách hàng là một trong bộ tiêu chí để các Sàn giao dịch BĐS phát triển .  Ảnh: Ngọc Thanh

 

Vì phát triển "nóng", nên sàn và đội ngũ môi giới không có quy chuẩn, bằng cấp, trình độ, mạnh ai nấy làm. Đến khi kinh tế rơi vào suy thoái, thị trường BĐS đóng băng kéo dài, nhiều sàn rơi vào cảnh khốn khó.

Câu chuyện cắt giảm nhân viên, chuyển địa điểm, đổi nghề kinh doanh, thậm chí đóng cửa không còn xa lạ với giới hoạt động lĩnh vực BĐS trong năm qua.

Những sàn thiếu chuyên nghiệp, đội ngũ nhân viên không có bằng cấp, chưa qua đào tạo thì tỷ lệ đóng cửa, chuyển nghề càng cao. Thêm vào đó, việc khách hàng mất lòng tin vào hoạt động môi giới, người tư vấn, giao dịch có trình độ chuyên môn cao còn ít, kém hiệu quả, cũng là nguyên nhân chính buộc các sàn phải đóng cửa.

Phát triển nhờ chuyên nghiệp hóa

Trong khi nhiều Sàn giao dịch BĐS  khác phải đóng cửa thì không khí làm việc tại Vicland (Mễ Trì) vẫn khá sôi động. Nhân viên môi giới liên tục có những cuộc trao đổi tư vấn qua điện thoại và tại chỗ cho khách hàng. Thậm chí, sàn đã tăng từ 30 lên 120 nhân viên và chuẩn bị mở thêm chi nhánh.

Ông Nguyễn Viết Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vic - Sàn Vicland cho biết: Để hoạt động tốt như hiện nay, chúng tôi đã có chiến lược rõ ràng, mục tiêu hành động dài hạn. Đồng thời, đội ngũ nhân viên của công ty là những người có trình độ, bằng cấp, được đào tạo bài bản. Mặt khác, trong hoạt động kinh doanh, chúng tôi rất khắt khe với sản phẩm của chủ đầu tư mà mình đại diện giao dịch. Những dự án đó phải có tính khả thi, đảm bảo tiến độ, chất lượng, giá cả, phù hợp với nhu cầu khách hàng. Và đã làm việc với khách thì phải thân thiện, minh bạch, rõ ràng, uy tín. Ngoài ra, bí quyết thành công của Vicland còn ở việc thực hiện tốt khâu chăm sóc khách hàng.

Tương tự, Sàn giao dịch BĐS DTJ (Hoàng Quốc Việt) cũng đang hoạt động rất tốt. Sàn có những cách thức riêng để duy trì và mở rộng hoạt động. Bản thân Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phân phối, Sàn giao dịch BĐS DTJ - Nguyễn Quốc Khánh luôn tâm niệm BĐS là lĩnh vực khắc nghiệt, có sức cám dỗ lớn. Nên ông luôn  yêu cầu nhân viên của mình phải có tâm với nghề và đặc biệt là trung thực. Trung thực với chính bản thân và trung thực với khách hàng thì người môi giới mới sống và phát triển tốt bằng nghề. Cùng với đó, công ty luôn vạch ra những định hướng cụ thể, chắc chắn trong từng bước đi. Đặc biệt, cam kết cung cấp cho khách hàng những sản phẩm thật sự thiết thực, phù hợp với nhu cầu.

Song song với đó, Sàn DTJ còn tham gia hỗ trợ trực tiếp gói sản phẩm nội thất, làm gia tăng giá trị sản phẩm đã giao dịch. Bởi theo ông Khánh, là người môi giới không những phải giúp khách hàng chọn được căn nhà phù hợp mà còn phải tư vấn và cung cấp cho họ những sản phẩm nội thất tốt nhất để tạo không gian sống lý tưởng, tiện ích.

 Bên cạnh đó, sàn DTJ còn tham gia liên minh các Sàn BĐS G5, tạo mạng lưới sản phẩm BĐS đồng nhất về giá cả, chất lượng và chế độ chăm sóc khách hàng, cùng nhau hướng tới chuẩn mực của nghề môi giới BĐS.

 
Để Sàn giao dịch BĐS hoạt động tốt thì khâu làm việc với chủ dự án phải rất khắt khe. Tức là các dự án trước khi sàn đại diện giao dịch đều phải có sự thẩm định rõ ràng, các  chủ đầu tư tham gia hợp tác cũng phải cam kết minh bạch, chính xác về nguồn lực tài chính, chất lượng và tiến độ công trình, đem đến cho khách hàng sản phẩm tốt nhất. Có như vậy, thì dù khó khăn đến mấy, Sàn giao dịch BĐS vẫn "sống khỏe".
Bà Phạm Thị Lý - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn đầu tư BĐS, Sàn giao dịch BĐS Bảo Tín