Tại phía Nam và phía Đông Afghanistan, nơi đang diễn ra giao tranh khốc liệt nhất, các thương nhân được Taliban cho phép chào bán nhiều loại vũ khí, kể cả bom, tên lửa, súng trường tấn công tự động và súng ngắn do Mỹ sản xuất.
Nhiều khu chợ vũ khí đặc biệt tại các trung tâm thương mại nằm sâu trong sa mạc hay những con đường gập ghềnh bên ngoài cao tốc, họ rao bán rất nhiều loại bom, tên lửa, súng phóng lựu vác vai, kính hồng ngoại, súng bắn tỉa, ống ngắm, đạn dược. Những sản phẩm này được định giá bằng afghani (đơn vị tiền của Afghanistan), rupee và USD.
Thực tế, Taliban đang kiếm được rất nhiều tiền từ kinh doanh lượng vũ khí khổng lồ do Mỹ để lại sau khi rút đi vào tháng 8/2021.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tổng số vũ khí và phương tiện bị bỏ lại trị giá hơn 7 tỷ USD trong số gần 19 tỷ USD đã chi để trang bị cho lực lượng an ninh Afghanistan từ năm 2002.
“Tổng số gồm khoảng 600.000 vũ khí các loại, gần 300 máy bay, hơn 80.000 phương tiện, thiết bị tiên tiến như kính hồng ngoại và hệ thống sinh trắc học” - theo Tổng Thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR).
Bằng cách kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, Taliban đã đẩy giá tăng đột biến, như khẩu M4 của Mỹ được bán với giá 2.400 USD, trong khi khẩu AK-47 hàng nhái do Pakistan sản xuất chỉ 130 USD.
Có thể nói, một cuộc chạy đua vũ trang mới đang đe dọa an ninh toàn cầu. Taliban, đồng minh của Al-Qaeda, không chỉ kiếm được hàng tỷ USD từ heroin, ma túy đá mà còn muốn chuyển hướng sang cung cấp các loại vũ khí cho những kẻ cực đoan nhằm kích động bạo lực.
Tổ chức Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) ở Tây Bắc Pakistan và những người ly khai ở Balochistan cũng đang sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để chiến chống lại nhà nước Pakistan. Trong các cuộc tấn công này, binh lính TTP sử dụng hệ thống hỗ trợ tầm nhìn ban đêm và camera hồng ngoại để tấn công quân đội và cảnh sát Pakistan. Trong đó mỗi thiết bị nhìn ban đêm có giá từ 500 đến 1.000 USD.
Iftikhar Firdous, nhân viên của Khorasan Diary, một tổ chức độc lập có trụ sở tại Pakistan giám sát các nhóm vô chính phủ cho biết: “Việc sử dụng rộng rãi những loại vũ khí đó gây nhiều khó khăn cho công tác chống khủng bố, đặc biệt là để tấn công cảnh sát Pakistan”.
Không những vậy, những vũ khí này cũng đang được sử dụng trong các cuộc tấn công gần đây của các nhóm vô chính phủ ở Kashmir - vùng đất bị chia cắt giữa Ấn Độ và Pakistan - và ở Dải Gaza.
“Đối với Taliban, những kẻ đã kiếm được rất nhiều tiền từ những giao dịch bất hợp pháp khác, buôn bán vũ khí chỉ là nguồn thu nhập bổ sung, nhất là khi tổ chức này có khả năng kiểm soát và đánh thuế thị trường chợ đen mới” - theo Asfandyar Mir, chuyên gia về Nam Á tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ.
Ông Firdous cho biết, dù AK-47 là sự lựa chọn ưa thích của quân nổi dậy Afghanistan do dễ bảo trì, dễ sử dụng và tính sát thương cao, gần đây TTP và Nhà nước Hồi giáo (IS) đang có xu hướng thay thế dần súng trường Kalashnikov bằng vũ khí của NATO như: súng bắn tỉa M24; súng carbine M4 với ống ngắm Trijicon ACOG; súng trường M16A4 có ống ngắm nhiệt.
Nhờ mạng lưới buôn lậu của Taliban, những vũ khí đó được phân phối khắp nơi. Theo giới chuyên gia, các tuyến đường vận chuyển ma túy, đá quý và nhiều loại hàng lậu khác sẽ đưa vũ khí đến tay những kẻ khủng bố Hồi giáo như Al-Shabab ở châu Phi cận Sahara, các chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Philippines, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka và những quốc gia Vịnh Ba Tư.
Cũng theo SIGAR, Taliban đã sở hữu hơn 300.000 vũ khí hạng nhẹ, 26.000 vũ khí hạng nặng và khoảng 61.000 phương tiện quân sự. Phần lớn các loại vũ khí của Mỹ đã được quan chức tham nhũng của Afghanistan bán cho Taliban với số lượng khó dự đoán.
Ông Firdous cho biết: “Có nhiều bằng chứng cho thấy những vũ khí này sẽ tiếp tục được Afghanistan cung cấp, khiến các quốc gia khó khăn hơn trong việc chống lại các nhóm vô chính phủ".