Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện người con dâu thiệt thòi

Cát Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị và anh thực ra là đẹp đôi. Chị là thôn nữ có nhan sắc, anh là nông dân khỏe mạnh, hiền lành. Họ mơ đến một cuộc sống giản dị, bình thường như bao gia đình khác… Tuy nhiên, gia đình chị nhiều lúc khổ sở vì quan niệm trọng nam, khinh nữ.

Ngày về nhà chồng, anh chị được ra ở riêng. Hai anh chị dựng căn nhà nhỏ ở góc vườn khuất nẻo trong thôn. Ngày ngày họ làm ruông, làm thuê, buôn bán lặt vặt mớ rau, mớ cỏ. Cuộc sống tuy không dư dả nhưng cũng đủ cái ăn, cái mặc. Đặc biệt, chị và anh giống nhau ở tính chân thật, thích cuộc sống giản dị nên gia đình êm đềm thuận hóa. Vài năm sau, chị sinh đứa gái đầu lòng. Chị và anh đều mừng rỡ. Hai bên nôi ngoại cũng mừng. Họ đặt tên cho đứa bé cái tên thật đẹp.
 Ảnh minh họa.
Dần dà, hai người em trai của chồng cũng lấy vợ. Cả hai người rồi cũng có con và là con trai.

Mẹ chồng nhiều lần ngầm mong chị sinh đứa con thứ hai là con trai, vì dù sao chị cũng là dâu trưởng, sau nhà chị sẽ tiếp quản cơ ngơi nhà chồng. Thế nhưng, đứa con thứ anh của anh chị vẫn là bé gái, được đặt tên đẹp không kém. Đúng như mong đợi, cả đứa lớn lẫn đứa nhỏ lớn lên thật xinh đẹp, như là tranh vẽ. Thế nhưng, mẹ chồng không hài lòng và giục chị sinh thêm đứa nữa để có cháu trai. Rồi lại thêm một bé gái ra đời…

Với chị và anh, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Họ vẫn sáng tinh mơ ra đồng, vẫn đi làm phụ hồ…, rồi lo cho các con ăn học. Những đứa bé càng lớn, càng xinh. Đặc biệt, chúng sáng dạ, học hành chăm ngoan và giỏi. Chúng là niềm tự hào của chị và anh, giúp bố mẹ quên đi nỗi vất vả thường ngày.

Chuyện không có gì để nói cho đến khi bố chồng mất, ông để lại di chúc là tất cả tài sản chia đều cho hai người em chồng; riêng người anh đầu (chồng chị) chỉ được mảnh đất nhỏ hiện anh chị đang ở. Chị và anh cũng không thắc mắc gì vì tục lệ lâu đời ở làng là vậy, của cải chỉ để cho con trai, cháu trai… có nghĩa là nội tộc.

Mấy năm sau, mẹ chồng ký giấy chuyển luôn ngôi nhà đang ở cho hai đứa con trai, em của chồng chị. Chị và anh cũng đồng ý, không có ý kiến gì. Họ nghĩ rằng, thôi thì do mình chỉ biết sinh con gái nên chịu thiệt vậy. Con của anh chị sau này lấy chồng thì nhờ vào nhà chồng.

Mẹ chồng từ khi ký giấy chuyển nhà thì bỗng nhiên… bơ vơ. Nhà không con, bà đến ở nhờ một trong hai đứa con có con trai như đã kể.Nhưng bà đến ở nhà nào cũng chỉ được và tháng vì mâu thuẫn với con dâu. Đứa thì cho rằng bà già lẩm cẩm trái tính, trái nết, hay can thiệp chuyện gia đình riêng của nó; đứa than bà hay xét nét chuyện nó dạy con, chuyện nó than phiền chồng tụ tập rượu chè… Dần dà, chúng bàn với nhau, bà đến ở luân phiên mỗi nhà một tháng. Sau đó, chúng lại bày ra phương án chia bếp ra để bà nấu ăn riêng, do bà và chúng ăn không hợp nhau, bà thích nấu cơm mềm, chúng thích cơm khô…

Mỗi lần bà nhận số gạo và đồng tiền ít ỏi của con dâu để mua thức ăn mà không khỏi xót xa. Bà muốn nuôi thêm con gà để cải thiện bữa ăn thì chúng bảo vườn chúng đã nuôi gà, bà nuôi rồi lẫn lộn không biết của ai.

Chị một hôm trong bữa ăn bàn với anh là đưa mẹ về nuôi. Anh đồng ý ngay và gặp gia đình hai em trai nói ý định của anh. Thế là bà về ở với đứa trai cả và cô con dâu không biết sinh cháu trai cho ông bà.

Bước vào nhà đứa con dâu cả, bà thấy căn nhà đồ đạc đơn sơ nhưng toát lên vẻ ấm cúng. Đến bữa ăn, đứa cháu gái út gắp thức ăn cho bà, trò chuyện học hành rối rít. Hai đứa cháu lớn đã học xong đại học và đã đi làm. Bà ứa nước mắt vì lâu lắm bà mới ngồi chung mâm cơm gia đình như vậy.

Bà nói với chị dâu cả: “Thực ra mẹ còn một cuốn sổ tiết kiệm để dưỡng già, lâu nay giấu không cho ai biết, Nay mẹ giao cho con”. Chị xúc động đáp: “Mẹ sinh ra chồng con, rồi cho con làm dâu là con có phúc rồi. Mẹ cứ giữ sổ tiết kiệm để khi cần có thể đi chơi đây đó. Nhà con giờ cũng khá giả, bọn con có thể chăm mẹ tốt được. mẹ ở với bọn con cho thật thoải mái, mấy cháu yêu bà lắm”.

Chị thấy hạnh phúc khi mẹ chồng nở nụ cười với hàng răng đen nhánh, đôi mắt ánh lên vui mừng. Bà nhìn chị với vẻ đầy trìu mến.