Không dễ thực hiện
Dự thảo hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, trong đó có phần liên quan đến hoán đổi nợ xấu đang được NHNN lấy ý kiến đóng góp. Trong đó quy định, TCTD được chuyển nợ xấu thành vốn góp, nhưng chỉ được áp dụng riêng với nợ xấu thuộc nhóm 5 (nhóm hầu như không có khả năng thu hồi) hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro.
Đơn cử như việc chuyển nợ thành vốn góp (dưới dạng cổ phiếu) tại Bianfishco cho thấy, sau khi hợp nhất Habubank vào SHB, do khoản nợ xấu tại Bianfishco rất lớn, công ty bên bờ phá sản, nên SHB và ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch ngân hàng này đã phải xắn tay vào thực hiện tái cơ cấu DN. Một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện tại Công ty như các dây chuyền chế biến cá hoạt động trở lại, nông dân được thanh toán tiền nợ nguyên liệu và khôi phục vùng nuôi cá… Song, hậu quả mà SHB phải xử lý đến giờ vẫn còn không ít. Ông Hiển đã phải cử nhân sự vốn là các cán bộ quản lý thân cận của mình tại Tập đoàn T&T vào đảm nhận quản lý nhà máy ở Cần Thơ, chưa kể cá nhân ông và nhiều cộng sự đã không ít phen phải thân chinh sang Mỹ để hỗ trợ tìm kiếm khách hàng cho DN. Mục tiêu đưa Bianfishco có lãi trở lại, niêm yết trên thị trường chứng khoán và SHB có thể thoái vốn dường như đang rất xa vời.
Nếu cho phép chuyển nợ thành cổ phần, những con nợ lớn mà thị trường từng nêu tên như Hoàng Anh Gia Lai (HAG)… sẽ khiến các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VPBank, HDBank… - những chủ nợ lớn nhất của nhóm HAG có thể phải thử sức ở những lĩnh vực mới. HAG và các công ty con đã sử dụng nhiều tài sản cố định và giấy tờ có giá để làm tài sản thế chấp. Chẳng hạn, đàn bò và các tài sản hình thành từ vốn vay tài trợ cho đàn bò thịt, khô bã đậu nành, thậm chí cả khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL… Nếu ông Đoàn Nguyên Đức và HAG không trả được nợ, các ngân hàng trên sẽ phải đảm nhận những lĩnh vực kinh doanh như trồng cao su, mía đường, nuôi bò và cả kinh doanh bóng đá… Những lĩnh vực này nguy cơ thua lỗ rất cao vì đều mang tính đặc thù, cần sự chuyên nghiệp.
Nguy cơ còn xấu hơn
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP lớn, đang cùng đảm nhận chức chủ tịch một tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam cho biết, họ không ủng hộ phương án đổi nợ thành cổ phần. Việc này vừa gây khó, vừa dễ mang tiếng cho ngân hàng vì dư luận sẽ cho rằng họ sử dụng các khoản vay để ép và thâu tóm DN. Vị này chia sẻ, ngay như xử lý tài sản đảm bảo của các con nợ ngân hàng, bản thân các công ty trong tập đoàn không bao giờ tham gia, để rạch ròi và tránh tiếng xấu.
Ở góc độ chuyên gia ngân hàng lâu năm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, quy định trên sẽ tạo đất cho sở hữu chéo trở lại. Hiện, ở Việt Nam, không ít ngân hàng vẫn có nhiều công ty sân sau, quy định như vậy dễ tạo cớ hợp pháp để ngân hàng bơm tiền “nuôi” những DN kiểu này, lũng đoạn thị trường và tạo ra sự cạnh tranh méo mó với các DN không có được lợi thế do có ngân hàng chống lưng. Ông Nghĩa cũng đề cập đến cơ chế hiện nay của Công ty Mua bán nợ của Bộ Tài chính (DATC), đã thực hiện việc chuyển nợ thành vốn góp và tham gia tái cơ cấu các DN khó khăn. Tuy nhiên, kết quả thu được không đáng kể.
Để tránh những hệ lụy có thể xảy ra cho cả hệ thống, nhiều ý kiến cho rằng, nếu có thể nên cho phép thực hiện thí điểm trong một số trường hợp đặc biệt và giao cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Song chắc chắn đây không phải giải pháp khả thi, vì nguồn lực tài chính và cả nguồn nhân lực của hệ thống ngân hàng đều không cho phép đảm trách tốt việc này. Đặc biệt, hiện nay, khoản cho vay của khối ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối đang rất cần được làm minh bạch. Việc chuyển nợ thành vốn góp sẽ tạo ra cái cớ hợp lý cho việc xử lý nợ xấu trong khi bản chất DN không được cải thiện, thậm chí vào tay các đơn vị không chuyên còn có nguy cơ xấu hơn.