Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển phương án giải ngân gói 40.000 tỷ đồng sang hình thức hỗ trợ khác

Nguyễn Vũ - Hải Anh
Chia sẻ Zalo

Với khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh suy giảm, doanh nghiệp đã bị dừng hỗ trợ. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất chuyển gói hỗ trợ sang miễn, giảm thuế, phí, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng...

Chuyển phương án giải ngân gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng sang hình thức hỗ trợ khác.
Chuyển phương án giải ngân gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng sang hình thức hỗ trợ khác.

Một số rào cản

Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ sau khi được triển khai đến nay, gói tín dụng hỗ trợ này gần như rơi vào cảnh “ế ẩm”, còn doanh nghiệp vẫn khát vốn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, Nghị quyết 43 quy định tiêu chí cứng “có khả năng phục hồi” là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này. Điều kiện này, cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là “có khả năng phục hồi”, cho nên rất khó thực hiện. Tuy nhiên, cơ quan này cũng dự kiến sau khi sửa đổi Nghị định 31, con số giải ngân cũng chỉ khiêm tốn ở mức 2.345 tỷ đồng trong năm 2023, nghĩa là vẫn còn tới 37.521 tỷ đồng dự kiến không giải ngân hết.

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank thông tin: Mặc dù ngân hàng đã chỉ đạo tới hơn 11.000 lượt cán bộ tín dụng trên toàn quốc nhưng hiện mới giải ngân được có 44 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng dùng nguồn vốn của mình để giảm lãi suất cho những đối tượng thuộc Nghị định 31 thì đến nay có hơn 1.000 tỷ đồng được giải ngân. Do đó, ông Phạm Toàn Vượng nhìn nhận, tất cả các ngân hàng đều gặp khó khăn khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% chứ không phải là tình trạng cá biệt.

Kết quả điều tra Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cũng cho thấy, qua khảo sát 12.000 doanh nghiệp trên cả nước, có tới 74,8% số doanh nghiệp gặp khó khăn về điều kiện tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%; 12,3% số doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục; 5,6% số doanh nghiệp cho rằng thời hạn cho vay ngắn và 7,5% số doanh nghiệp gặp những khó khăn khác.

Bà Trịnh Thị Cúc - Giám đốc điều hành Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa chia sẻ: Doanh nghiệp đã từng thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất 2%, đã được ngân hàng giảm lãi một phần gói vay. Tuy nhiên, do hoạt động xuất khẩu suy giảm, doanh nghiệp đã bị dừng hỗ trợ. Vì theo quy định, doanh nghiệp muốn được giảm lãi suất 2% phải chứng minh được khả năng phục hồi, khả năng trả nợ, chưa kể phải cân đối chi phí bỏ ra để theo dõi hồ sơ, chứng từ, thủ tục hậu kiểm theo yêu cầu. Vậy nên trước tình hình khó khăn chung hiện nay nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để hưởng chính sách này.

NHNN đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả hỗ trợ lãi suất để làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác.

Đề xuất chuyển nguồn sang hỗ trợ về thuế, phí

Để giúp chính sách phát huy hiệu quả, theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Cần thay đổi tiêu chí tiếp cận chính sách. Bởi vì mục đích của gói này là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp yếu vượt qua giai đoạn khó khăn, do đó không thể giữ nguyên tiêu chí cho vay như đối với doanh nghiệp khỏe mạnh.

NHNN cho biết, đến nay, không có doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nào có thắc mắc, khiếu nại về việc đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Vì vậy, NHNN đề xuất chuyển nguồn từ gói hỗ trợ lãi suất 2% cho miễn, giảm thuế, phí, bao gồm cả thuế VAT.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Đề nghị chuyển vào chính sách giảm VAT 2% đã áp dụng rất tốt thời gian qua, để bảo đảm đúng mục tiêu chính sách từ đầu là hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, là đối tượng ưu tiên phục hồi sau đại dịch. Để có thể chuyển nguồn một cách đơn giản, ông Việt khuyến nghị NHNN làm một đề xuất trực tiếp giống như đề xuất giảm thuế xăng, dầu năm ngoái của Bộ Tài chính, vừa nhanh gọn, đơn giản, không cần thêm điều kiện gì.

Dưới góc nhìn của chuyên gia thuế, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam khẳng định: Chuyển giảm thuế là dễ nhất. Khi bán sản phẩm ra là có thể thực hiện giảm thuế VAT và gói giải pháp giảm thuế VAT theo Nghị quyết 43 mang lại hiệu quả rõ nét và được đánh giá là gói giải pháp có hiệu quả nhất của năm 2022.

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất không tiếp tục sửa các tiêu chí, điều kiện để hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Thay vào đó, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, chuyển nguồn ngân sách sang cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện. Bởi, những vướng mắc hiện nay không dễ tìm giải pháp tháo gỡ.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế VAT. Đồng thời, hiện nay, NHNN đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43, bỏ cụm từ doanh nghiệp phải chứng minh được “có khả năng phục hồi” để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng.