Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển quyền sát hạch giấy phép lái xe về Bộ Công an: Liệu có vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa có Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Đây là vấn đề được dư luận cả nước quan tâm đặc biệt, bởi liên quan trực tiếp đến một trong những thông tin gây tranh cãi trong thời gian qua là để Bộ Công an hay Bộ GTVT quản lý đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe.

 Việc đào tạo, cấp GPLX sẽ được chuyển về cho Bộ Công an phụ trách. 

Đáp ứng yêu cầu đổi mới

Trong tờ trình, Chính phủ thống nhất Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ quy định các vấn đề về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX); đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới. Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT thuyết minh cho từng phương án và nhận thấy, vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp GPLX phải trong phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật để bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ, thống nhất. Đồng thời phù hợp với chuẩn mực quốc tế, giải quyết những vấn đề bất cập về TTATGT đường bộ trong tình hình hiện nay.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về TTATGT đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1. Đó là vấn đề đào tạo sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án nội dung tờ trình nêu. Tuy nhiên, do vẫn có ý kiến khác nên Chính phủ cũng đưa ra trong tờ trình phương án 2 để Quốc hội tham khảo, đó là phương án Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Việc đưa thêm phương án 2 để Quốc hội tham khảo là cần thiết, bởi từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, nghĩa là do Bộ GTVT phụ trách và được thực hiện ổn định.

Tuy nhiên, theo phân tích của Bộ Công an thể hiện trong tờ trình, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của dự luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Tránh việc “bóng và còi”

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, việc chuyển quyền đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT về Bộ Công an dù mang đến nhiều kỳ vọng về việc công tác đảm bảo TTATGT sẽ tốt hơn nhưng đây cũng là vấn đề có tính hai mặt.

Về mặt tích cực, việc tách đôi Luật Giao thông đường bộ ra làm hai phần, trong đó phần “cứng” là hạ tầng giao thông sẽ do Bộ GTVT tiếp tục phụ trách. Còn phần “mềm” là phần di chuyển, vận hành trên đường thuộc về Bộ Công an sẽ giúp tạo thêm điều kiện giám sát chéo giữa hai cơ quan, đảm bảo cho công tác quản lý Nhà nước được minh bạch, khách quan hơn. Tuy nhiên, chính việc tách rời này sẽ mang đến những mặt trái khó tránh. Một trong những bất cập hoàn toàn có thể nảy sinh là với việc chuyển quyền đào tạo, sát hạch và cấp GPLX về Bộ Công an thì cơ quan này vô hình chung sẽ vừa nắm quyền đào tạo, sát hạch, cấp bằng rồi quyền kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến GPLX. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, khi đó lo ngại về việc một cơ quan “vừa đá bóng, vừa thổi còi” sẽ nảy sinh.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc xây dựng văn bản luật cần phải dựa trên những cơ sở khoa học và tránh làm luật theo kiểu cảm tính. Đối với lĩnh vực GTVT, cụ thể ở đây là việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, nếu cứ đúng luật mà làm thì cơ quan nào, bộ, ngành nào cũng đều làm được như nhau và đều phải làm chuẩn. Còn nếu cho rằng chuyển quyền về cho Bộ Công an sẽ được làm chặt hơn, khác nào nói Bộ GTVT lâu nay làm lỏng, đây là cách lập luận khó chấp nhận.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Đừng vì thấy tiêu cực này, tiêu cực kia rồi cho rằng cơ quan này làm kém phải chuyển cho cơ quan khác”. Chuyên gia giao thông này phân tích, ở đây chưa ai dám khẳng định công tác đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý GPLX mà Bộ GTVT làm không tốt. Trên thực tế, công tác này vẫn đang thực hiện ổn định trong thời gian qua. Thậm chí, kể cả trong trường hợp Bộ GTVT được xác định làm chưa tốt, cần làm rõ chưa tốt ở chỗ nào để sửa đổi chứ không phải cứ đổi cơ quan thực hiện sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Cách làm ngược?

Lật lại lịch sử công tác đào tạo, cấp GPLX, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc chuyển giao công tác này về lại Bộ Công an là cách làm ngược so với lịch sử. Bởi vào thời điểm trước năm 1995, chính Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Tuy nhiên, đến năm 1995, khi Nghị định 36-CP về đảm bảo ATGT đường bộ và TTATGT đô thị của Chính phủ được ban hành thì công tác này đã được giao lại cho Bộ GTVT. Từ đó đến nay, Bộ GTVT vẫn thực hiện nhiệm vụ trên một cách ổn định. Thậm chí, trong quãng thời gian từ năm 1995 đến nay đã 2 lần ghi nhận sự ra đời của văn bản luật quan trọng trong lĩnh vực đường bộ là Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng đơn vị phụ trách công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX vẫn được giữ nguyên. Ông Thanh cho rằng, việc giao cho Bộ GTVT phụ trách công tác đào tạo, cấp GPLX vào năm 1995 là phù hợp bởi đây là nhiệm vụ cần được dân sự hóa nhằm giảm bớt gánh nặng cho Bộ Công an, giúp cơ quan này tập trung cho nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và đảm bảo an ninh trật tự.

Vừa qua, tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ của Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đặt câu hỏi về tính phù hợp khi giao giao nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX đưa từ bộ ngành dân sự (Bộ GTVT) sang cơ quan vũ trang (Bộ Công an). Theo ông Khuất Việt Hùng, thực tế trên thế giới ghi nhận nhiều quốc gia trao quyền cấp GPLX cho cảnh sát nhưng vấn đề nằm ở chỗ, ở những nước này, cảnh sát cấp lại không phải là lực lượng vũ trang. “Bộ Công an ở Trung Quốc không phải lực lượng mà người ta quy định là lực lượng vũ trang giống như quân đội. Hàn Quốc và Nhật Bản thì lực lượng cảnh sát hoàn toàn là dân sự” – ông Khuất Việt Hùng nói.

Có rất nhiều câu hỏi cần được làm rõ xung quanh việc chuyển giao nhiệm vụ đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT về Bộ Công an. Thứ nhất, là việc chuyển đổi có giúp thay đổi những tồn tại trong công tác đào tạo, cấp GPLX hiện nay hay không? Thứ hai là sau khi chuyển giao, thì cơ sở vật chất và con người ngành GTVT quản lý mấy chục năm nay sẽ như thế nào? Thứ ba, khi chuyển đổi có tốn thời gian, công sức tiền bạc hay không, ngân sách có phải đầu tư thêm hay không?

Chuyên gia giao thông – TS Phan Lê Bình
Chúng ta cần phải có thuyết minh để làm rõ giữa việc Bộ GTVT đã làm tốt rồi, chuyển sang Bộ Công an sẽ làm tốt hơn như thế nào. Điều này để thuyết phục được người dân và Quốc hội.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương