Họ thường hiểu là: Sống bảy mươi năm được mấy người (bản dịch thơ của Tản Đà). Nhưng thực ra, nó còn hàm chứa một thông điệp thơ ca khác.
Cả bài thơ phiên âm như sau:
Triều hồi nhật nhật điển xuân yMỗi nhật giang đầu tận túy quyTửu trái tầm thường hành xứ hữuNhân sinh thất thập cổ lai hyXuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiệnĐiểm thủy thanh đình khoản khoản phiTruyền ngữ phong quang cộng lưu chuyểnTạm thời tương thưởng mạc tương vy.
Có thể dịch nghĩa:
(Ngày ngày cứ tan chầu là cắm áo đẹp/Hôm nào cũng thật say sưa bên sông mới về/Dân nợ rượu tầm tầm thì có khắp hàng xứ/Người đạt đẳng thánh hiền thì xưa nay vắng vẻ/Thấp thoáng tỏ, bươm bướm luồn hoa/Chấp chới bay, chuồn chuồn tớp nước/Lời xưa truyền rằng cảnh tượng tất tật đều đổi dời/Thì lúc này ta cùng uống đi, chớ bỏ cuộc).
Đỗ Phủ (712 – 770) viết bài thơ này, theo các nhà khảo cứu, là vào năm 758, khi làm quan ở Tràng An. Và cũng ở đây, ông gặp gỡ Lý Bạch (701 – 762), một bậc thi bá đã nổi tiếng khắp trong triều ngoài nội. Tương tiến tửu của Lý Bạch viết năm 751, trước Khúc giang đầu của Đỗ Phủ 7 năm, theo thể ca của Nhạc phủ thời Hán, tác phẩm này lúc đó đã nổi tiếng, thành “tửu ca” của ẩm giả chốn kinh kỳ.
Thơ ca là tiếng chim gọi bầy. Ngày nay, đọc lại cả hai bài, không khó khăn, ta nhận ra sự tương đồng ý và tứ của hai tác phẩm. Và có thể nói không ngần ngại rằng, bài thơ của Đỗ Phủ là sự hô ứng, đồng thanh, về ý nghĩa, có thể đọc nó như là một văn bản nghệ thuật “giải Tương tiến tửu” của Lý Bạch.
Với Lý Bạch, do đặc trưng phong cách và thể thơ, ông bắt đầu bằng sự tuôn chảy của thời gian qua những hình ảnh kỳ vĩ mang tầm vũ trụ làm phông nền cho ý tưởng:
- Quân bất kiến! Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai. Bôn lưu đáo hải bất phục hồi…
(Anh không thấy chăng! Sông Hoàng Hà như từ trời rơi xuống. Tuôn ra đến bể không quay trở về…).
Thời gian như nước chảy qua cầu, thời gian khách quan cho vũ trụ này là một đi không trở lại. Và cõi nhân sinh bé mọn này cũng trôi đi như vậy thôi.
- Hựu bất kiến! Cao đường minh kính bi bạch phát. Triêu như thanh ty mộ như tuyết…
(Lại chẳng thấy chăng! Đến như những kẻ nhà cao cửa rộng kia cũng ngậm buồn vì tóc bạc.
Sáng mới như tơ xanh mà chiều đã như tuyết trắng…).
Lý Bạch đặt chút kiếp người (nhân sinh) đối diện với sông dài, trời cao, bể rộng, nhà lầu, cửa kính, với sự tuôn chảy vô biên sớm chiều đã đổi đen thay trắng, làm cho nó vốn đã bé mọn càng bé mọn đi, và thi nhân tuyên bố vào kèo rượu:
- Nhân sinh đắc ý tu tận hoan. Mạc sử kim tôn không đối nguyệt.
(Kiếp người đã đắc ý thì uống tận cuộc vui đi. Đừng để chén vàng suông đối nguyệt).
Đỗ Phủ cũng với tứ thơ song trùng ấy nhưng ông xử lý theo một hướng khác với hoàn cảnh và phong cách của mình. Mẫn cảm thời gian và sự mong manh của kiếp người được diễn đạt bằng các hình ảnh:
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện
Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi(Thấp thoáng tỏ, bươm bướm luồn hoaChấp chới bay, chuồn chuồn tớp nước).
Đời người mơ màng như Trang Chu mộng điệp. Cũng là ngắn như một giấc mơ thôi, rồi không biết mình là bướm hay bướm là mình nữa (Trang Tử - Tiêu dao du).
Và người xưa đã từng nói rồi (truyền ngữ), cảnh tượng trước mắt kia, tất tật đều đổi dời chóng vánh (Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển). Vậy thì lúc này, Đỗ Phủ, cũng như Lý Bạch, khuyên đừng để chén không, hãy cùng nâng chén đi, chớ né cuộc rượu đang vui (Tạm thời tương thưởng mạc tương vy). Sao mà ý tưởng trùng hợp đến thế?!
Bằng một bút pháp khoa trương vu khoát, Lý Bạch xui rất buông phóng:
- Ngũ hoa mã. Thiên kim cừu. Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu. Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.
(Thảm ngựa ngũ hoa. Áo lông cừu ngàn vàng. Kêu trẻ đem ra đổi rượu ngon. Hãy cùng nha phá tan mối sầu vạn thủa).
Chữ hoán của Lý Bạch thì ý cũng tương tự chữ điển trong câu thơ Đỗ Phủ:
Triều hồi nhật nhật điển xuân y
(Ngày ngày xong buổi chầu, đem áo đẹp đi cắm quán để lấy rượu uống).
Cũng áo tốt áo đẹp, cũng đổi hoặc gán rượu. Tuy hai mà một, tuy một mà hai. Và đến triết lý nhân sinh này khi vô cuộc rượu thì mới đáng để châm ngôn muôn đời cho dân nợ rượu. Lý Bạch hát một khúc:
- Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch. Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
(Xưa nay thánh hiền đều vắng vẻ. Chỉ có dân rượu là lưu danh mà thôi).
Còn Đỗ Phủ thì tuyên bố:
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
“Tửu trái tầm thường” chính là dân nợ rượu phổ biến, bình dân. Nơi đâu mà chẳng tồn tại mãi mãi. Lý Bạch nói đến “ẩm giả” nhưng cũng nói đến ẩm giả đổi áo lấy rượu, thì đó cũng chả khác chi “tửu trái” của Đỗ Phủ.
Còn “Nhân sinh thất thập” là gì?
Trong lò Khổng học, không ai không biết, không thuộc lời tự bạch của Khổng Tử với môn đệ (Luận ngữ - thiên Vi chính):- “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” (Ta 15 tuổi để tâm chí vào việc học, 30 tuổi có thể tự lập được, 40 tuổi đủ thấu hiểu để không lắm nghi ngờ, 50 tuổi biết được cái mệnh trời là như thế nào, 60 tuổi nghe là thông phải trái, 70 tuổi thì theo lòng của mình mà hành động mà không vượt khỏi cái khuôn khổ của chân lý).
Người có thể “tòng tâm sở dục bất du củ” là ai vậy. Khổng Tử thọ 73, đã bước qua thất thập. Lúc đó, mọi lý thuyết, kinh sách đã hoàn bị. Ông đã được coi là thánh thiên tử trong Nho lâm. Người sáng tạo ra học thuyết, theo từ điển, thì đó chính là Thánh, người thấu hiểu và chú giải được kinh sách của thánh thì chính là Hiền. “Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” thì đích thị là đấng “Thánh Hiền” mà Lý Bạch nói ở trên. Ẩn ngữ của “thất thập” chính là “Thánh Hiền” đấy.
Lại nói đến chữ “tịch mịch” của Lý Bạch với chữ “hy” của Đỗ Phủ, nó là một mà thôi. Chữ hy này có nhiều nghĩa, trong đó, sách Đạo đức kinh của Lão Tử có chú nghĩa rằng: “Thị chi bất kiến danh viết di, thính chi bất văn danh viết hy”. Nghĩa là: Nhìn mà không thấy hình gì thì đó là chữ di, lắng mà cũng không nghe tiếng gì thì đó là chữ hy. Từ điển Hán Việt trích dẫn giải nghĩa: Lặng lẽ không tiếng động.
Lặng lẽ không tiếng động thì đó cũng là nghĩa của hai chữ “tịch mịch” vậy. Từ điển Hán Việt trích dẫn cũng giải cái nghĩa thứ 2 của hai chữ “tịch mịch” là “lặng lẽ không tiếng động”. Nghĩa rõ là như nhau.
Như vậy nghĩa của hai câu Cổ lại thánh hiền giai tịch mịch và Nhân sinh thất thập cổ lai hy là hoàn toàn như nhau. Cho nên có thể dịch câu thơ này của Đỗ Phủ như sau:
- Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
là:
- Người đạt hạng thánh hiền thì xưa nay vắng vẻ.
Đến đây, ta càng rõ rằng, vì sao trong hai câu thơ nằm ở thể cách đối chọi mà Đỗ Phủ đã dùng “thất thập” câu sau đối với “tầm thường” câu trước mà không e ngại sự khiên cưỡng: Đẳng thánh nhân, thánh hiền mà đối với hạng bình thường, bình dân thì ý tứ vẫn thông suốt vậy.
2. Trùng ý với nhau một chữ, một câu thì đã đành nhưng cả hai câu đều trùng thì ta nhận ngay sự hô ứng trong sáng tạo của hai thi bá cùng triều.
Nhưng xưa nay, ở ta cũng như Trung Hoa vẫn hiểu nghĩa là: “Sống bảy mươi năm được mấy người” thì có sai không?
Hoàn toàn không sai. Mà đó là cách hiểu và cách dịch trực tiếp ở lớp ý nghĩa thứ nhất của văn bản.
Cách hiểu này phổ biến hơn, ứng với kinh nghiệm tồn sinh của bất cứ đời người nào. Ngày xưa tuổi thọ trung bình thấp, sống đến 70 là đã quý hiếm rồi.
Số phận một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, một bài thơ, một câu thơ thường vẫn là như vậy. Người đọc khi tiếp nhận nó, có thể từ đó mà tự xây nên một thế giới nghệ thuật của riêng mình, họ tự tạo cho mình một thông điệp thẩm mỹ riêng, không ắt hẳn trùng khít hoàn toàn với những ký tải của chính tác giả sáng tạo ra nó. Thông điệp mà nhà thơ ký tải vào tác phẩm không bao giờ là trùng khít với nhận thức người đọc khi tiếp nhận tác phẩm đó. Và đó chính là sức sống tự nhiên của văn chương.
Cũng như với sáng tác của Đỗ Phủ, trong tình thế song trùng với ý thơ Lý Bạch, lại là người tôi luyện trong học phong Nho giáo, trong từ chương đời Đường, ông đã tá ý lời Khổng Tử trong kinh sách, nói theo lối uyển ngữ để ký tải cái ý “thánh hiền”, ngầm một ẩn dụ thơ ca tương tự bậc thi huynh của mình.
Cách sử dụng uyển chuyển, kiểu “nói thế” này ta gặp nhiều chính cả trong đời sống cũng như thơ ca.