Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm mỗi gia đình Việt khi Tết đến xuân về. Ăn Tết xa quê hương, người Việt Nam xa xứ cũng mong muốn được hưởng không khí Tết qua việc gói bánh chưng, nấu những món ăn truyền thống.
Để có một chiếc bánh chưng "made in Vietnam" không dễ dàng với người Việt ở nước ngoài. Ảnh: Thúy Anh. |
Chị Minh Châu, sống tại TP Montpellier, Pháp cho biết, mọi năm, chị đều cố gắng gói bánh chưng, bánh tét và nấu một mâm cơm truyền thống vào ngày 30 Tết cho cả gia đình được hưởng bầu không khí Tết nơi xứ người. “Tuy không hoàn thiện và đầy đủ như ở nhà nhưng đó cũng là tấm lòng người xa quê hướng về tổ tiên, nhớ tục lệ và cội nguồn”, chị Châu nói.
Chia sẻ về việc nấu cỗ Việt ở nước ngoài, chị Châu cho biết, hiện nay, hầu hết tại các thành phố lớn, lượng kiều bào nhiều, vì vậy, thực phẩm và gia vị Việt mua rất dễ dàng. Mọi nguyên liệu cho một mâm cơm truyền thống như măng, miến, giò, chả, bánh chưng, bánh tét, mứt Tết... đều gần như có đủ.
Tuy nhiên, thứ khó kiếm nhất vẫn là lá dong. Lá dong phải mua ở siêu thị châu Á mới có. Ở Montpellier, nơi chị Châu sinh sống, chỉ có 2 siêu thị bán. Cả 2 siêu thị này đều cách nơi chị ở khoảng 45 - 60 phút đi tàu điện. Giá lá dong tươi tại Pháp khá đắt 14,7 Euro (gần 400.000 đồng)/1kg, được khoảng 40 lá. Chị Châu cũng cho biết thêm, lá dong tại Montpellier được nhập khẩu từ Lào, lá nhỏ chỉ bằng 2/3 lá dong ở Việt Nam.
Chị Đặng Phương Liên (bang Michigan, Mỹ) cũng chia sẻ, mỗi lần gói bánh chưng, chị và bạn bè cũng phải đau đầu “nghĩ kế” kiếm lá dong. Ở Mỹ, hầu như các món ăn truyền thống trong dịp Tết của Việt Nam như bánh chưng, giò chả, nem chua... đều có bán đầy đủ ở các siêu thị Việt nhưng lạt và lá dong thì không có, chị Liên cho hay.
“Gạo có thể mua gạo xuất khẩu từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, thịt thì mua ở chợ của người bán hàng quen. Nhưng lá dong và lạt thì ở đây không có”, chị Liên nói. Vì vậy, để có một chiếc bánh chưng gói bằng lá dong như ở nhà là vô cùng kỳ công. Lá dong không phải lúc nào cũng có nên thường sẽ được để đông lạnh rồi nhờ người quen mang sang. Ngoài lá dong thì lạt là đồ dùng khó kiếm thứ 2. Chị Liên phải “đặt hàng” gia đình chẻ lạt để mang sang và có thể dùng dần trong những dịp Tết này.
Trong trường hợp không thể kiếm được lá dong, người Việt ở nước ngoài sẽ kiếm lá chuối để thay thế. Chị Châu cho biết, những năm không có lá dong, chị và bạn bè tại Pháp đành gói bằng lá chuối đông lạnh hoặc là lá giang khô (giống lá tre phơi khô). Gói bằng lá chuối khó hơn, hương vị cũng không thể bằng nhưng có thể dùng thay thế được, chị Châu nói.
Chuyện gói bánh chưng bằng lá chuối cũng có nhiều kỷ niệm “cười ra nước mắt” với các du học sinh Việt.
Trà My, cựu du học sinh tại Anh chia sẻ, cô từng có trải nghiệm gói chiếc bánh chưng 5 lớp trong lần đầu gói bánh chưng ở Anh. Tết năm thứ 2 ở Anh, My cùng các du học sinh rủ nhau gói bánh chưng. Nhiệm vụ được giao cho mỗi người rất cẩn thận: người đi mua lá chuối về gói bánh, người chuẩn bị đỗ, người ngâm gạo... ai cũng háo hức cả.
Nhưng đến lúc gói bánh, vì chưa có kinh nghiệm nên lá chuối mua về nhưng lại không hơ qua lửa hay chần qua nước sôi cho mềm mà mang đi gói luôn, kết quả là lá giòn vỡ hết. Bánh chưng năm ấy phải gói đến tận 5 lớp lá vì bánh cứ bị bục, My vui vẻ kể lại. Đến những năm sau đó, rút kinh nghiệm, My và bạn bè đều chuẩn bị sẵn bánh chưng từ nhà mang sang. Nhưng quan trọng nhất là mọi người tụ tập với nhau thì không khí bỗng trở nên rất “Tết”, chị Liên vui vẻ chia sẻ.